Xin đừng “lơ” tác giả

Đã từ lâu, tác phẩm văn học (gồm thơ và văn xuôi) đã trở thành chất liệu cho nhiều loại hình nghệ thuật khác như: âm nhạc, sân khấu, phim ảnh… Tuy vậy, trong rất nhiều trường hợp, khi công bố tác phẩm phái sinh, không ít tác giả và tác phẩm gốc bị “lơ” đi.

Trong chương trình Ai là triệu phú của Đài Truyền hình Việt Nam, có đưa ra câu hỏi: Ai được nhắc tới trong những câu thơ sau: “… đi làm/ Từ sáng sớm/ Dậy thổi cơm/ Mua thịt cá”?, kèm 4 đáp án: Bà, Ba, Mẹ, Ông để người chơi lựa chọn.

Đoạn thơ trên được trích trong bài Yêu mẹ của tác giả Nguyễn Bao (1932-2022). Nguyên văn bài thơ: “Mẹ đi làm/ Từ sáng sớm/ Dậy thổi cơm/ Mua thịt cá/ Em kề má/ Được mẹ yêu/ Ơi mẹ ơi/ Yêu mẹ lắm”. Thế nhưng, trong suốt quá trình hiển thị câu hỏi, hay khi người dẫn chương trình đọc đáp án, đều không đả động gì đến tên bài thơ cũng như tên tác giả.

Luật Sở hữu trí tuệ có quy định: Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng, dù có hoặc không nhận tiền tài trợ, tiền quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Chiếu theo đó, Đài Truyền hình Việt Nam nghiễm nhiên được quyền sử dụng bài thơ Yêu mẹ mà không cần phải xin phép gia đình tác giả Nguyễn Bao. Tuy nhiên, việc ghi rõ nguồn - cụ thể ở đây là tên tác giả và tác phẩm, là điều bắt buộc.

Điều này thể hiện sự tôn trọng tác giả, tác phẩm cũng như tôn trọng quyền tác giả mà Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định. Trong câu hỏi mà chương trình Ai là triệu phú đưa ra, có thể vì tên bài thơ Yêu mẹ liên quan đến đáp án nên buộc phải ẩn đi. Nhưng chương trình hoàn toàn có thể ghi tên tác giả bài thơ, hoặc sau khi công bố đáp án, người dẫn chương trình phải thông tin đến người chơi cũng như khán giả về bài thơ và tác giả được sử dụng cho câu hỏi. Vào ngày 19-5 năm nay, Giải thưởng Nhà nước đã được trao cùng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trong số 15 nhạc sĩ được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt này, có đến 10 nhạc sĩ được vinh danh nhờ tác phẩm phổ thơ. Chính vậy, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ: “Khởi phát cảm hứng sáng tạo từ bài thơ của người khác để có thành tựu, thì các nhạc sĩ cũng nên có sự ứng xử đúng đắn và văn minh. Đừng vô tình hoặc cố ý lãng quên các nhà thơ. Nếu không chia tiền thưởng cho các nhà thơ, thì cũng nên gọi điện thông báo tin vui và cảm ơn họ một tiếng. Trường hợp nhạc sĩ nào được truy tặng Giải thưởng Nhà nước, thì con cháu người quá cố cũng nên thay mặt cha/ anh mình mà có động thái thiện chí tri ân các nhà thơ”.

Chia sẻ của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận được sự đồng tình của rất nhiều người trong và ngoài giới văn chương. Bởi rõ ràng, đây là việc cần phải làm, một mặt thể hiện cái tình của những người làm sáng tạo, mặt khác cũng là cách thượng tôn pháp luật.

Tin cùng chuyên mục