Xoa đầu rùa - Hành vi xâm hại di sản

Cầu may thiếu ý thức
Xoa đầu rùa - Hành vi xâm hại di sản

Một số người tin rằng xoa đầu cụ rùa đội bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ giúp các sĩ tử học hành hanh thông, thi cử đỗ đạt. Thậm chí có người còn cho rằng phải xoa đủ 82 đầu cụ rùa, 164 mặt bia đá thì ước nguyện học hành, thi cử mới thành hiện thực khiến cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước mỗi kỳ thi lớn luôn ở trong tình trạng quá tải.

Nhiều sĩ tử tranh nhau xoa đầu rùa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nhiều sĩ tử tranh nhau xoa đầu rùa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cầu may thiếu ý thức

Hà Nội những ngày trước khi diễn ra những kỳ thi đại học trời nắng như đổ lửa nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản được sự kiên nhẫn của các sĩ tử cùng người nhà xếp hàng dài dằng dặc đứng trước Văn Miếu - Quốc tử Giám. Hòa trong dòng người ấy, cô học trò Phạm Thị Ngọc Mai cùng bạn bè cũng xếp hàng từ sáng sớm tại đây để thực hiện một việc mà họ cho là “nghi lễ” cầu may trước khi bước vào kỳ thi đại học, mang tính chất quyết định này.

Trao đổi về vấn đề này TS Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội khẳng định, việc xoa đầu rùa lấy may là chuyện được thêu dệt, để rồi một đồn mười, mười đồn trăm và giờ thành phong trào, một thói quen xấu làm hại cho di sản. Theo ông Đặng Kim Ngọc, trong những đợt cao điểm như tết, trước kỳ thi chuyển cấp, thi đại học, toàn bộ lực lượng của trung tâm được huy động, cộng thêm sự giúp sức của các thanh niên tình nguyện tham gia nhắc nhở du khách nhưng ngăn được chỗ này, người ta lại len lén xoa đầu cụ rùa ở chỗ khác rồi chạy. Cùng đó đã xuất hiện hành vi rải tiền lễ, thậm chí hóa vàng, hóa sớ tại đây khiến sự việc có khuynh hướng nhuốm màu sắc mê tín.

Trước Tết Canh Dần 2010, để bảo vệ 82 bia đá Tiến sĩ, trung tâm đã dựng một hàng rào bằng inox quanh khu vực nhà bia. Nhưng biện pháp này cũng chỉ phát huy tác dụng được vài ngày, sau đó các cọc sắt mặc dù được khoan cố định vào nền cứng vẫn bị xô đổ bởi những người vô ý thức. Nhiều người không quan tâm tới các tấm biển cảnh báo mà còn tìm cách “lừa” các sinh viên tình nguyện để tiếp cận với rùa và bia đá hòng mong tìm được nhiều may mắn.

Lúng túng tìm phương thức bảo vệ

Biển cảnh báo bị phớt lờ, người trông giữ, nhắc nhở bị qua mặt, cột inox với những xích sắt thì bị lên án là “xích di sản”- mà phương án này cũng chỉ mang tính tình thế cũng không hiệu quả, vậy bảo vệ di sản như thế nào trước làn sóng sĩ tử đến với Văn Miếu ngày một đông hơn? Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Kim Ngọc cho biết, trung tâm đã trình lên UBND TP Hà Nội phương án: “Bảo vệ bia đá bằng vách kính chịu lực, rất bền chắc, dùng búa đập không vỡ, nứt, cao 2m”.

Vách ngăn có tác dụng ngăn cách hoàn toàn khách tham quan với bia đá nhưng vẫn đảm bảo du khách đến đây vẫn nhìn rõ, đầy đủ các mặt của văn bia và có thiết kế lối vào để các nhà nghiên cứu tiếp cận khi cần thiết. Phương án thứ 2 là làm lan can bằng gỗ, cao 1m, thiết kế theo kiểu thời Lê, hài hòa với mái nhà bia cũng như không gian của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Song cho tới thời điểm này vẫn chưa có văn bản phê duyệt đồng ý do đó việc bảo vệ di sản giờ đây vẫn phụ thuộc vào ý thức của người dân là chính.

Không chỉ các dịp tết hay trước các kỳ thi chuyển cấp, thi đại học, cao đẳng, sĩ tử mới đổ dồn về Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xoa đầu rùa cầu may mà trong cả những ngày thường khách tới tham quan nơi này cũng đông dần lên. Với vị trí và ý nghĩa đặc biệt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa điểm được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện lớn thu hút sự quan tâm của cộng đồng và điều đó đồng nghĩa với việc di sản 82 bia đá đứng trước nguy cơ bị xâm hại lớn hơn. Nên chăng, bên cạnh việc tuyên truyền ý thức của người dân đối với việc gìn giữ di sản, ngăn chặn hành vi mang tính chất mê tín các cơ quan quản lý cũng cần nhanh chóng đưa ra các phương án bảo vệ mang tính ổn định, lâu dài.

GS.TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo:

Không có một ông thánh, vị thần nào có thể giúp hoặc can thiệp vào việc thi đỗ hay trượt của các thí sinh. Tôi cũng chia sẻ với các bạn trẻ nguyện vọng muốn vươn tới trong cuộc đời nhưng chúng ta khó và không thể chấp nhận việc chờ đợi vào một lực lượng thần thánh nào đó giúp đỡ trong các kỳ thi. Theo quan điểm đạo Phật, mỗi người phải tự giác, nỗ lực và dựa vào chính bản thân mình chứ không phải chỉ mong chờ may mắn đến với mình.

Th.Hà (thực hiện)

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục