Quốc hội thảo luận tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Xử lý án tham nhũng có khuynh hướng “nhẹ trên, nặng dưới”

Ngày 31-10, Quốc hội (QH) đã dành trọn một ngày thảo luận ở hội trường về các báo cáo tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về công tác phòng chống tham nhũng

Ngày 31-10, Quốc hội (QH) đã dành trọn một ngày thảo luận ở hội trường về các báo cáo tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về công tác phòng chống tham nhũng.

Đề nghị QH giám sát một số vụ án tham nhũng trọng điểm

Việc triển khai thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ trong thời gian qua, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều tán thành với nhận định hoạt động này đã từng bước thu được nhiều kết quả góp phần ổn định xã hội, giữ được niềm tin trong xã hội. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn đặt ra vấn đề về cơ chế chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, cổ phần hóa. Theo đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), đối tượng tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, nên khả năng che giấu tội khá tinh vi, phần nào cũng làm hạn chế đến kết quả hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.

“Có phải vì lý do này mà một số vụ án nổi cộm trong thời gian vừa qua lúc đầu tưởng như “chết đến nơi”, nhưng khi xét xử thì hoặc là định tội danh khác so với truy tố của Viện kiểm sát hoặc là có mức án thấp” – ĐB Nguyễn Tấn Tuân nêu băn khoăn bởi điều này cũng gây nên một tâm lý khó hiểu trong xã hội, và đề nghị Quốc hội có kế hoạch giám sát một số vụ án trọng điểm. Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng việc xử lý án tham nhũng chưa kiên quyết, chưa triệt để và có khuynh hướng “nhẹ trên, nặng dưới”.  

Ở khía cạnh khác, ĐB Lê Thị Dung (An Giang) cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa tổng kết được hết việc thực hiện và hiệu quả đấu tranh, tố giác tội phạm. Bởi trên thực tế, những người đấu tranh, tố giác tội phạm thường bị phân hóa, thậm chí họ có thể bị kết tội phá hoại nội bộ, gây mất đoàn kết cơ quan. Theo ĐB Lê Thị Dung, cần tổng kết và có những biện pháp bảo vệ hữu hiệu mới có thể tạo niềm tin và động lực để những người đấu tranh tiếp tục con đường vô cùng gian nan, nguy hiểm và hậu quả không lường trước được như thế nào.

Chưa có “địa chỉ” chịu trách nhiệm đối với thất thoát, lãng phí

Đối với tình hình lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, Chính phủ chưa nêu được con số cụ thể các dự án, công trình chậm tiến độ, cũng như các con số gây lãng phí vì chậm tiến độ, ai và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cho việc thất thoát, lãng phí này. Nêu ví dụ điển hình là công trình cầu Hoàng Hoa Thám bắc qua kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (TPHCM) có tổng kinh phí ban đầu được duyệt chi là 19 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 16 tháng, nhưng sang năm thứ 10 kinh phí tăng lên gần 120 tỷ đồng mà vẫn không thể tiếp tục thi công, gây lãng phí. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị Chính phủ thống kê chi tiết các công trình chậm tiến độ, chỉ rõ nguyên nhân và sớm xử lý, giải quyết.

ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) kiến nghị Chính phủ cần có quy định mạnh để chấn chỉnh việc lạm dụng việc cưới, việc tang, lễ hội, biến thành chỗ trả ơn, trả nghĩa, phô trương kinh tế. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà bức xúc: “Không tuần nào tôi không thấy trên ti vi hình ảnh doanh nghiệp tổ chức hội nghị, khai trương, khánh thành… rất hoành tráng”.

ĐB Hồ Quốc Dũng cũng nhìn nhận sự lãng phí còn thể hiện ở các cơ quan công quyền trong việc sử dụng biên chế và thời gian lao động, chế độ hội họp, hội nghị… tràn lan, gây tốn tiền của mà hiệu quả lại thấp. ĐB Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) đã liệt kê ra một loại lãng phí mà ai cũng có thể nhìn thấy, phải chịu đựng, phải chung sống nhưng chậm được khắc phục, như lãng phí thời gian, giấy tờ của công dân hoặc doanh nghiệp do thủ tục hành chính. Ước tính mỗi năm có khoảng 12 ngàn tỷ đến 30 ngàn tỷ đồng “thất thoát” từ sự lãng phí trong hệ thống thủ tục hành chính. 

ANH NHI

Tin cùng chuyên mục