Trong cuộc họp của Chính phủ Thái Lan vừa diễn ra, Thủ tướng nước này Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải chú trọng xây dựng các giải pháp ngăn chặn nạn buôn người hiệu quả để Thái Lan không bị cộng đồng quốc tế lên án dẫn đến hàng hóa có thể bị tẩy chay.
Tuyên bố của Thủ tướng Chan-o-cha được đưa ra sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), những đối tác thương mại chính của Thái Lan, kêu gọi Thái Lan phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng buôn người; làm sao để Mỹ và EU có thể gạch tên Thái Lan khỏi “danh sách đen” các quốc gia trở thành cửa ngõ buôn bán nô lệ thời hiện đại.
Trong danh sách đen năm nay, Mỹ đánh giá Thái Lan là một trong những nơi diễn ra tình trạng buôn người tồi tệ nhất. Điều này đã ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, hình ảnh và xuất khẩu của Thái Lan, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hải sản. EU yêu cầu nước này phải chấn chỉnh lại hoạt động của ngành đánh bắt hải sản trong vòng 6 tháng hoặc đối mặt với tẩy chay sản phẩm này của Thái Lan từ phía EU. Châu Âu cảnh báo điều này bởi lâu nay tàu cá của Thái Lan thường xuyên sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp.
Cuộc họp của Chính phủ Thái Lan kết thúc với việc Thủ tướng Chan-o-cha quyết định thành lập các tiểu ban giải quyết những khía cạnh khác nhau của nạn buôn người. Điều này thật sự cần thiết bởi nó giúp các cơ quan chức năng có thể hợp tác chặt chẽ với nhau để đưa ra giải pháp “vá” các lỗ hổng pháp lý trong vấn đề chống nạn buôn người xuất hiện trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo tờ Bangkok Post, không ít các chuyên gia lại cho rằng, cái gốc cần phải xử lý để nỗ lực chống nạn buôn người của Thái Lan hiệu quả là vấn nạn tham nhũng. Bản báo cáo về tình trạng buôn người năm 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ rõ các nỗ lực của Thái Lan bị xói mòn bởi tình trạng tham nhũng ở nhiều cấp độ. Quan tham đã hỗ trợ các nhóm tội phạm có tổ chức buôn người xuyên quốc gia để đổi lại những khoản tiền lớn. Các quan chức biến chất này đã trở thành bảo kê cho những kẻ buôn người, nhà thổ và chủ tàu cá sử dụng lao động nô lệ.
Bản báo cáo còn cáo buộc cảnh sát và quan chức nhập cư Thái Lan bán người nhập cư cho các băng nhóm buôn người biến họ thành nô lệ, gái bán dâm.
Những vấn đề trong bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng được Tướng Phaiboon Khumchaya, Bộ trưởng Tư pháp, nêu ra hồi tháng 6 vừa qua. Theo đó, Tướng Khumchaya thừa nhận lực lượng thực thi pháp luật yếu kém cùng nạn tham nhũng là nguyên nhân để Mỹ đưa Thái Lan vào danh sách đen. Tham nhũng đã khiến thực thi luật pháp lỏng lẻo và xử phạt không còn nghiêm minh.
Theo ông Khumchaya, cứ 7 vụ liên quan đến buôn người thì chỉ có 1 vụ được đưa ra xét xử. Giới quan sát cho rằng khi đã xác định được tham nhũng là thủ phạm chính, Chính phủ Thái Lan cần phải cho thấy rõ quyết tâm chống lại vấn nạn này bằng cách bắt giữ, xét xử quan tham, những kẻ buôn người, công ty môi giới lao động bất hợp pháp. Chỉ có quyết tâm như vậy mới giúp Thái Lan hiện thực hóa những nỗ lực chống buôn bán người, xóa đi tiếng xấu mà quốc gia được mệnh danh là đất nước của những nụ cười đang phải hứng chịu
ĐỖ CAO