Chiều 9-9, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo của Đoàn công tác của UBTVQH về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Khái quát tình hình, Báo cáo nêu nhận định: cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên tục được hoàn thiện trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhà nước theo từng thời kỳ. Hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được ban hành tương đối đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đã kịp thời cân đối cho ngân sách nhà nước để chi cho đầu tư công theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10-11-2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu sự thống nhất, một số văn bản dưới luật trái với quy định của Luật.
Cụ thể: trong khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc Trung ương hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương, thì Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ lại quy định tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp (HTSX&PTDN).
“Điều này đã gây khó khăn cho một số địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa, như TP Hà Nội và TPHCM đang “treo” số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN trên tài khoản tạm thu tương ứng là 8.416,485 tỷ đồng (30-6-2019) và 1.789,373 tỷ đồng (31-12-2017), trong khi nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết. Hai địa phương đã phải có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất xin sử dụng nguồn vốn này, trong khi theo Luật Ngân sách nhà nước khoản thu này đương nhiên thuộc ngân sách địa phương", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phản ánh.
Bên cạnh đó, theo báo cáo đánh giá của Kiểm toán nhà nước (Báo cáo số 134/BC-KTNN ngày 9-5-2019), việc quản lý, sử dụng Quỹ HTSX&PTDN cũng còn một số bất cập như trường hợp Tổng công ty Tàu thủy và Tổng công ty Lương thực miền Nam sử dụng quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, Tổng công ty Giấy Việt Nam sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ 21 tỷ đồng nhưng chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính chưa kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc quyết toán và chuyển số dư về Quỹ HTSX&PTDN tại các tập đoàn, tổng công ty năm 2017; từ năm 2018 đến tháng 6-2019 chưa tổng hợp được số liệu chính thức về số dư quỹ để báo cáo cấp có thẩm quyền…
Bên cạnh đó, nội dung chi chuyển về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội chưa được quy định cụ thể tại Quy chế quản lý Quỹ HTSX&PTDN. Các nội dung chi cho hỗ trợ sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng chưa được quy định cụ thể tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 69/2014/QH13) mà mới chỉ được quy định tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật số 69/2014/QH13; toàn bộ nội dung chi do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trong khi Hiến pháp, Luật Ngân sách nhà nước quy định tất cả các khoản thu, chi phải được dự toán.
Vẫn theo Báo cáo của Đoàn công tác, công tác quản lý, sử dụng Quỹ HTSX&PTDN còn nhiều bất cập, như chưa có chế tài đủ mạnh để buộc các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc nộp tiền về Quỹ HTSX&PTDN theo quy định, dẫn đến nhiều khoản nợ đọng kéo dài.
Chế tài xử lý chậm nộp mới quy định ở cấp quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên hiệu lực pháp lý chưa cao, do đó việc cưỡng chế thu hồi tiền chưa thực hiện được. Việc thu hồi còn nhiều khó khăn do các đối tượng chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trả nợ. Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc kiểm tra, giám sát, chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời chế độ thu nộp, chế độ báo cáo về Quỹ HTSX&PTDN.
Trên cơ sở kết quả làm việc với các bộ, ngành, địa phương và các phân tích này, Đoàn công tác kiến nghị với UBTVQH không cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước. Để đồng bộ với nội dung thu, chi trong Luật Ngân sách nhà nước, đề nghị xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13.
Theo đó, vừa sửa đổi được một số bất cập hiện nay của Luật số 69/2014/QH13, vừa bảo đảm được việc không ban hành quá nhiều văn bản quy định về cùng một nội dung, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, đồng thời tuân thủ đúng quy định tại Điều 55 của Hiến pháp.
Đoàn công tác cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua, đồng thời xử lý dứt điểm kiến nghị của các địa phương như Hà Nội và TPHCM về quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.