Mới đây, một nhóm thanh niên dàn dựng clip đóng giả làm khủng bố quăng bom để dọa mọi người tại Hà Nội đã bị công an triệu tập, điều tra. Pháp luật có những quy định gì để xử lý hành vi này?
Một số đối tượng do bị hạn chế nhận thức pháp luật đã biến nỗi sợ của mọi người trở thành cơ hội kiếm tiền quảng cáo. Việc đột ngột quăng vật thể giả là bom vào người đi đường, hay dọa nói mang bom khiến cho an ninh trật tự nơi công cộng bị rối loạn, thậm chí có thể xảy ra giẫm đạp chết người. Cần phải khẳng định rằng mọi hành vi liên quan đến bom đều là hành vi đe dọa đến tính mạng con người và an ninh quốc gia. Do đó, bất kỳ thông tin nào liên quan đến bom luôn đặt mọi người xung quanh vào tình thế căng thẳng. Tại một số khu vực đặc biệt như sân bay, chỉ cần nhận được thông tin có bom bất kể là có thật hay không, an ninh của khu vực đó ngay lập tức sẽ phải đặt trong tình trạng khẩn cấp. Do vậy, chỉ vì một lời nói đùa cũng có thể làm trễ hay hủy chuyến bay, máy bay buộc phải hạ cánh khẩn cấp, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mọi người.
Ảnh cắt từ clip
Theo pháp luật Việt Nam, về mặt hành chính, các chủ thể thực hiện các hành vi dọa bom, quăng vật giả là bom vào người khác có thể bị xử phạt theo Nghị định 167/2013. Cụ thể, hành vi gây mất trật tự tại nơi công cộng như bến tàu, bến xe… có thể bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng (Khoản 1, Điều 5). Hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác có thể bị xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng (Khoản 2, Điều 5).
Trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi nói trên đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm, hoặc hành vi gây rối dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng được liệt kê sau đây có thể bị truy cứu hình sự với tội danh “Gây rối trật tự công cộng”, được quy định tại Khoản 1, Điều 245 Bộ luật Hình sự. Cụ thể là: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên; gây chết người; làm người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên; làm nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên; làm người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 21% - 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên; làm nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% - 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị xử phạt bổ sung như phạt tiền từ 1 - 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)