Xử lý hành vi trộm cắp phụ tùng ô tô

Phụ tùng ô tô là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu ô tô. Do đó, hành vi trộm cắp phụ tùng ô tô bị xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của cá nhân, là hành vi nguy hiểm cho xã hội và bị xử lý như tội trộm cắp tài sản.
Xử lý hành vi trộm cắp phụ tùng ô tô

Phụ tùng ô tô là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu ô tô. Do đó, hành vi trộm cắp phụ tùng ô tô bị xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của cá nhân, là hành vi nguy hiểm cho xã hội và bị xử lý như tội trộm cắp tài sản.

Tùy vào giá trị của phụ tùng bị chiếm đoạt mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật Việt Nam không quy định rõ khi nào hành vi trộm cắp tài sản sẽ bị xử lý hành chính, khi nào sẽ bị xử lý hình sự, tuy nhiên có thể căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản để xác định được biện pháp xử lý phù hợp cho hành vi này. Theo đó, hành vi trộm cắp phụ tùng ô tô sẽ bị xử lý hành chính trong trường hợp người thực hiện hành vi chưa đáp ứng điều kiện cấu thành tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Một chiếc xe hơi bị luộc mất kính chiếu hậu. Ảnh T. L

Cụ thể, truy cứu trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản đối với người nào thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. Đối với hành vi trộm cắp phụ tùng ô tô mà tổng giá trị không vượt quá 2 triệu đồng và người thực hiện hành vi không thuộc vào các trường hợp nêu trên thì sẽ bị xử phạt hành chính.

Trong trường hợp hành vi trộm cắp phụ tùng ô tô bị xử phạt hành chính, người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu - 2 triệu đồng (Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính). Đối với hành vi trộm cắp phụ tùng ô tô thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào tính chất của hành vi và giá trị tài sản chiếm đoạt mà người thực hiện hành vi bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến tối đa là 20 năm. Ngoài việc bị phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu - 50 triệu đồng (Điều 173 Bộ luật Hình sự).

Luật sư LÊ HÀ HÒA HIỆP
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục