Xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở Bình Định

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng mà báo chí phản ánh thời gian qua tại Bình Định diễn ra phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng. Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương khẩn trương kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật với các cá nhân, tổ chức liên quan.

Ngày 13-7, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, Tổng cục Lâm Nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản đề nghị tỉnh Bình Định chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh mà báo chí phản ánh thời gian qua.

Một khoảnh rừng tự nhiên bị đốt phá trắng ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) để làm rẫy

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại một số địa phương thuộc tỉnh Bình Định diễn ra phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng. Điển hình là vụ phá rừng, lấn chiếm trên 11,5ha rừng tại tiểu khi 208, thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (Bình Định); vụ phá rừng, lấn chiếm trên 14,86ha rừng trồng tại các tiểu khu 144, 145, 110, 123, 124 thuộc xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định).

“Tình trạng vi phạm xảy ra trong thời gian dài nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả”, văn bản Tổng cục Lâm nghiệp nêu.

Qua đó, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tại địa phương khẩn trương kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Hiện trường vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, Bình Định
  Vừa qua, Báo SGGP có các thông tin, bài viết liên quan đến những vụ phá rừng ở 2 huyện Phù Mỹ và Vĩnh Thạnh. Trong đó, các vụ phá rừng chủ yếu để lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy hoặc làm trang trại.

Đáng chú ý, một số vụ phá rừng mà người dân phản ánh có liên quan đến cán bộ, người nhà cán bộ địa phương...

Cây rừng tự nhiên ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) bị "hạ độc", chết dần

Liên quan vụ bà Trương Thị Lệ Thâm (vợ ông Trần Quốc Biểu, Huyện ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thạnh) tự ý lấn chiếm, xây dựng trái phép 58,2m2 đất trong khu vực rừng phòng hộ ven hồ Định Bình (thuộc xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Thạnh) mà Báo SGGP phản ánh, hiện Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đề nghị huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ.

Tin cùng chuyên mục