Đến dự và phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, TTCP và ngành thanh tra cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng kế hoạch thanh tra. Kế hoạch thanh tra năm 2021 phải theo hướng bảo đảm trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo.
Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra thực hiện nghiêm chỉ đạo về tiếp công dân phục vụ Đại hội XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng”.
Cùng với đó là tiếp tục triển khai những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng chống tham nhũng, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh.
Trong thời gian tới, ngành thanh tra cần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; kiên quyết xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp…
Theo báo cáo của TTCP, trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Năm 2020, ngành thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra 97 vụ, 99 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; đồng thời kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 23.000 tỷ đồng và 830ha đất.