Xử lý nhanh, tránh gây bức xúc không đúng về dự án hồ Ka Pét

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu vấn đề: Vừa qua dư luận, báo chí có thông tin về dự án hồ Ka Pét tại tỉnh Bình Thuận. Đây là dự án do Quốc hội thông qua, nhưng không thấy đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện. 
Khu vực rừng dự kiến được chuyển đổi làm hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Khu vực rừng dự kiến được chuyển đổi làm hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Trong khuôn khổ phiên họp 26, cuối chiều 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 8 của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu vấn đề: vừa qua dư luận, báo chí có thông tin về dự án hồ Ka Pét tại tỉnh Bình Thuận. Đây là dự án do Quốc hội thông qua nhưng không thấy đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện.

Báo cáo về vấn đề này, đại diện cho cơ quan thẩm tra của Quốc hội về dự án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội, ông Nguyễn Phương Tuấn cho biết, ngày 4-9 xuất hiện bài báo "Khu rừng hơn 600 ha sắp bị phá làm hồ thủy lợi" trên một tờ báo điện tử, nội dung có nói "UBND tỉnh Bình Thuận "phá" 600 ha rừng để xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét".

Quang cảnh phiên họp UBTVQH về công tác dân nguyện

Quang cảnh phiên họp UBTVQH về công tác dân nguyện

Việc bài viết 3 lần liên tục sử dụng từ "phá rừng" đã "gây ra một luồng phản ứng rất xấu, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Quốc hội, Chính phủ", sau khi thông tin này được đăng tải.

“Ngay sau khi nhận được thông tin về hồ Ka Pét, Ủy ban KH-CN-MT đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin và có giải pháp xử lý nhanh, tránh gây bức xúc trong dư luận. Đến 18 giờ ngày 4-9, trên mạng đã xuất hiện những thông tin đúng hơn, khách quan hơn về dự án", ông Nguyễn Phương Tuấn nói.

Vẫn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT, ủy ban này đã đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phải cung cấp các thông tin cần thiết về hồ sơ của dự án cho các cơ quan có liên quan về thực hiện thẩm định, thẩm tra dự án. Đặc biệt là các nội dung về điều tra, đánh giá hiện trạng rừng, về trồng rừng thay thế, đánh giá tác động môi trường của dự án. Cơ quan của Quốc hội cũng đã gửi văn bản đến Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Thuận để đề nghị báo cáo về các nội dung có liên quan mà báo chí đăng tải và tình hình triển khai thực hiện dự án này theo nghị quyết của Quốc hội.

Dẫn ra nhiều ví dụ về các thông tin sai trong bài viết nêu trên như: hình ảnh về cây cổ thụ được đăng tải lại không nằm trong phạm vi của dự án; bình luận về đánh giá tác động môi trường không đúng quy định của pháp luật; bình luận về diện tích rừng, chất lượng rừng chưa đúng với hiện trạng, có tính chất mang tính kích động, gây tâm lý bất an trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan có liên quan… Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT nhìn nhận: "Chúng tôi thấy có tình trạng cơ quan báo chí đưa tin chưa thực sự sát sao trong việc đăng tải, chưa kiểm chứng tính chính xác thông tin về việc thực hiện dự án". Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT kiến nghị, trong thời gian tới UBTVQH giao Thường trực ủy ban này tiếp tục triển khai hoạt động giám sát hàng năm đối với dự án.

Trước mắt, đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo UBTVQH về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư thực hiện dự án; chỉ đạo các bộ cùng với UBND tỉnh Bình Thuận nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 93 của Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết 101 Quốc hội khóa XV để sớm hoàn thành dự án, đưa vào hoạt động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án nếu có.

Tin cùng chuyên mục