Năm 2012, qua thanh tra, Thanh tra TPHCM phát hiện 119 đơn vị có sai phạm về kinh tế 215 tỷ đồng và 118.932m² đất, đã thu hồi nộp ngân sách 42,793 tỷ đồng và 64.442m² đất, đã xử lý hành chính 10 tập thể và 34 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ. Tuy nhiên, vẫn có những vụ có dấu hiệu hình sự mà các cơ quan thanh tra kết luận, chuyển cơ quan điều tra đề nghị xử lý theo pháp luật nhưng lại “chìm xuồng”…
Có sai phạm nhưng khó xử lý
Thông báo 477/TB-VP ngày 12-7-2011 của Văn phòng UBND TPHCM về kết luận thanh tra các vấn đề liên quan đến công tác điều hành sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý tổ chức của Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn đưa ra 4 sai phạm lớn cần xử lý, trong đó phần tài sản phải thu hồi lên đến hơn 100 tỷ đồng. Để làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan, UBND TP đã chỉ đạo chuyển Cơ quan Điều tra Công an TP tiến hành điều tra, xử lý theo pháp luật.
Trước đó, vào năm 2009, Thanh tra TP bằng một văn bản kết luận sau thanh tra cũng đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ lỗ lã, thất thoát hàng trăm tỷ đồng này. Tuy nhiên, vụ việc từ đó đến nay vẫn không được điều tra, làm rõ theo quy định pháp luật. Điều này không chỉ làm cho việc xử lý, khắc phục hậu quả do làm ăn thua lỗ tại doanh nghiệp này bị chậm trễ, kéo dài, mà còn làm phát sinh thêm nhiều vấn đề về quản lý, kinh doanh, xử lý nợ xấu càng phức tạp; một số cá nhân tìm cách chạy tội, tẩu tán tài sản, phi tang hành vi sai trái của mình…
Tại bản Kết luận thanh tra 726/KLTT-TTTP-P1 ngày 10-11-2011 của Thanh tra TPHCM, hàng loạt sai phạm về quy hoạch, xây dựng tại Nhà máy Bia Vinaken (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đã được kết luận, làm rõ. Sau đó, UBND TP cũng chỉ đạo chuyển cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, từ đó đến nay vụ án vẫn chưa được khởi tố điều tra; việc khắc phục hậu quả, xử lý các kết luận sau thanh tra chậm thực hiện và đang có dấu hiệu “chìm xuồng”.
Các vụ việc khác như: vụ sai phạm trong đền bù thực hiện Dự án trồng cây xanh cách ly khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi); vụ chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) ký giấy phép xây dựng trái pháp luật; vụ một cán bộ UBND phường Trung Mỹ Tây (quận 12) tham ô tiền xóa đói giảm nghèo; vụ sai phạm về tài chính tại Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn… mặc dù đã được thanh tra kết luận và UBND TP chỉ đạo chuyển cơ quan điều tra gần 1 năm nay, song vẫn chưa có trường hợp nào bị khởi tố điều tra.
Thiếu giám sát xử lý sau thanh tra
Đó là nhận định của lãnh đạo Thanh tra TP tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2012 mới đây. Việc thiếu giám sát xử lý kết luận sau thanh tra dẫn đến nhiều vụ việc cả chục năm sau vẫn không thu hồi được tài sản bị thất thoát, chiếm dụng; nhiều cán bộ, công chức sai phạm không bị xử lý; nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển cơ quan điều tra không bị khởi tố điều tra; nhiều vụ án hình sự, nhiều bị can mặc dù đã bị khởi tố nhưng không bị truy tố và đưa ra xét xử. Đây được coi là một kẽ hở rất lớn trong thực thi pháp luật có liên quan giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với các cơ quan bảo vệ pháp luật khi xem xét, xử lý các vụ việc, các hành vi vi phạm pháp luật đã được các cơ quan có trách nhiệm làm rõ.
Theo ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra quy định, cơ quan công an, viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó. Thời gian qua, quy định trên đã không được thực hiện nghiêm túc, hoặc thực hiện nhưng thiếu kiểm tra, giám sát. Điều này làm cho tính hiệu lực trong thực thi pháp luật không nghiêm và hiệu quả công tác thanh tra, xử lý kết luận sau thanh tra đạt thấp.
HOÀI NAM