Xử lý sự nhập nhằng giữa phụ gia thực phẩm và công nghiệp

Lựa chọn thực phẩm nào đảm bảo vệ sinh, chất lượng là câu hỏi khiến người tiêu dùng đau đầu trước bối cảnh nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn, phẩm màu, chất phụ gia. Để hiểu rõ hơn về chất phụ gia dùng trong thực phẩm và công tác quản lý chất phụ gia, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, về vấn đề này.
Các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm bày bán công khai tại phố Hàng Buồm, Hà Nội
Các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm bày bán công khai tại phố Hàng Buồm, Hà Nội

- PHÓNG VIÊN: Thưa bà, phụ gia thực phẩm là gì và những tác hại của phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm như thế nào?

>> Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm (để bảo quản lâu hư, tạo màu, tạo mùi, tạo vị, để chế biến tạo độ giòn, độ trong, độ dai...). Các phụ gia (các hóa chất) đều phải trải qua các nghiên cứu về công dụng, độc tính, liều lượng, phản ứng, độ tinh khiết... rồi mới được xếp loại cho phép dùng trong thực phẩm hay không. Ngay cả những phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm cũng phải tuân thủ các giới hạn về liều lượng, nồng độ và cách sử dụng an toàn. Cho nên nguyên tắc là phải công khai tên phụ gia sử dụng trong thành phần và những lưu ý sử dụng (nếu có).

Sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây ra những tác hại cho sức khỏe như: gây ngộ độc cấp tính nếu dùng quá liều cho phép. Gây ngộ độc mạn tính dù dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục (một số phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể gây tổn thương lâu dài, đặc biệt là loại phụ gia thực phẩm bị cấm). Có thể gây ra hội chứng ngộ độc mạn tính như ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút. Có nguy cơ hình thành khối u, ung thư, đột biến gien, gây quái thai ở phụ nữ mang thai.

- Bà có thể cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh chất phụ gia dùng trong thực phẩm được thực hiện như thế nào?

Công tác quản lý chất phụ gia dùng cho thực phẩm được ban triển khai với một số nội dung: Thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ban đã rà soát và hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm thực hiện tốt các quy định của pháp luật (đặc biệt là 16 hộ kinh doanh phụ gia tại chợ Kim Biên, quận 5). Các cơ sở có đủ điều kiện đã được an thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để hoạt động trong lĩnh vực này. Song song đó, ban cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra về sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm đúng quy định pháp luật, với hệ thống các đội quản lý ATTP của ban và lực lượng các quận huyện. Kiên quyết đề phòng và xử lý tình trạng nhập nhằng giữa phụ gia thực phẩm và phụ gia công nghiệp, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện công khai kết quả thanh tra, kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để kịp thời cảnh báo cộng đồng.

- Công tác quản lý thị trường thực phẩm có chứa chất phụ gia trên địa bàn TP hiện nay được ban thực hiện ra sao?

Chúng tôi thường xuyên có những đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất các mặt hàng thực phẩm sử dụng các chất phụ gia, tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá nguy cơ và kịp thời phát hiện các sai phạm. Cùng với đó, tăng cường tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý ATTP của các quận huyện, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên để họ tự nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Tích cực tuyên truyền cho người dân về cách mua, sử dụng phụ gia thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và những tác hại của việc dùng sai chất phụ gia.

Tin cùng chuyên mục