Xu thế của Web 3.0

Thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi lớn trong bối cảnh cách mạng kỹ thuật số: sự xuất hiện của Web 3.0 với khả năng thông minh hơn, được cá nhân hóa và an toàn hơn, đồng thời là sự hội tụ của dữ liệu lớn (big data), máy học (machine learning), chuỗi khối (blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Web 3.0 cho phép truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhanh và chính xác hơn
Web 3.0 cho phép truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhanh và chính xác hơn

Tốc độ tăng trưởng nhanh của Web 3.0

Hiện nay, ngày càng nhiều công ty ứng dụng Web 3.0 vào hoạt động. Chuỗi siêu thị Walmart dùng Web 3.0 truy xuất nhanh và chính xác nguồn gốc thực phẩm và giám sát quá trình di chuyển sản phẩm từ trang trại đến cửa hàng. Hay Lemonade Foundation sử dụng blockchain để cung cấp bảo hiểm khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, thanh toán qua Web 3.0 sắp trở thành một lựa chọn khả thi cho doanh nghiệp trong nỗ lực cung cấp các tùy chọn thanh toán an toàn hơn, thông minh hơn và đơn giản hơn cho khách hàng. Chẳng hạn, Visa và Mastercard đã tích cực khám phá công nghệ thanh toán Web 3.0 trong vài năm qua.

Theo phân tích mới nhất của tổ chức nghiên cứu và tư vấn Mỹ Emergence Research, quy mô thị trường Web 3.0 toàn cầu đạt 3,2 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm về doanh thu là 43,7% trong giai đoạn dự báo. Trong khi đó, vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp liên quan đến Web 3.0 trên toàn thế giới đạt tổng trị giá 25,2 tỷ USD vào năm 2022, tăng 700% so với năm 2021. Sự xuất hiện của mạng 5G, 6G cùng với công nghệ chuỗi khối và ra mắt ứng dụng Web 3.0 là yếu tố chính được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thị trường từ năm 2021 đến năm 2030. Theo Google Trends, mối quan tâm tìm kiếm trực tuyến về Web 3.0 đã tăng lên trong những năm gần đây, chủ yếu ở các nền kinh tế cường quốc châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore.

Hơn nữa, dữ liệu từ Baidu, công cụ tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc, cũng cho thấy sự gia tăng mức độ phổ biến của thuật ngữ này. Trung Quốc và Mỹ là hai nước đi đầu về kỷ nguyên Web 3.0, trong đó Mỹ là động lực chính của sự phát triển Web 3.0. Các ứng dụng Web 3.0 ở Trung Quốc dựa trên chuỗi khối để chia sẻ dữ liệu, phục vụ sản xuất thông minh, sản xuất năng lượng, chăm sóc y tế và quản trị chính phủ. Trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, giờ đây Web 3.0 ở Trung Quốc có thể truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp, hồ sơ bệnh án, hóa đơn điện tử, bằng chứng tư pháp... Thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong giai đoạn dự báo do nhu cầu cao liên tục đối với các hệ thống Web 3.0 từ các lĩnh vực sử dụng khác nhau như ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm (BSFI), thương mại điện tử và bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm...

Công ty hàng đầu về Web 3.0

Dunamu, công ty điều hành sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu của Hàn Quốc, dẫn đầu xu hướng phát triển Web 3.0 nhờ kinh nghiệm phong phú của mình trong công nghệ chuỗi khối. Công ty liên tục tung ra các dự án mới bằng mã thông báo không thể thay thế (NFT) trong khi hợp tác với nhiều công ty khác nhau. Một trong những dự án đáng chú ý là sự hợp tác với HYBE.

Tháng 1-2022, Dunamu đã hợp tác với gã khổng lồ về giải trí để ra mắt liên doanh Levvels. Trên nền tảng kỹ thuật số Momentica, người hâm mộ Hàn Quốc và quốc tế có thể trao đổi hoặc thưởng thức nhiều thẻ hình ảnh kỹ thuật số khác nhau của các nghệ sĩ K-pop mình yêu thích như Seventeen, Le Sserafim và Fromis 9. Giao dịch được ghi lại trên chuỗi khối, xác minh tính xác thực của thẻ. Kể từ khi thẻ hình ảnh đầu tiên của Seventeen "Dream" được công bố vào tháng 2-2022, số lượng thành viên mới đã tăng 55% so với tháng trước. Trong cùng thời gian, tỷ lệ thành viên quốc tế cũng vượt quá 60%. Nền tảng này đang thể hiện sức mạnh của mình trên thị trường toàn cầu, đã đạt vị trí số 1 trong phần giải trí của cửa hàng ứng dụng Nhật Bản. Nền tảng metaverse 2ndblock của Dunamu đang tổ chức một chiến dịch sử dụng khu rừng ảo của mình, được gọi là khu rừng thứ 2, để nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng. Dunamu cũng đã thu thập các khoản quyên góp bằng bitcoin thông qua nền tảng và chuyển chúng đến Ủy ban UNICEF Hàn Quốc để giúp đỡ các nạn nhân trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022.

Đồng thời, công ty con nghiên cứu chuỗi khối của Dunamu mang tên Lambda 256 đang cố gắng thúc đẩy một hệ sinh thái có thể thương mại hóa công nghệ chuỗi khối. Lambda 256 đã tung ra nhiều dịch vụ khác nhau như Luniverse STO nhắm mục tiêu vào thị trường chứng khoán về chuỗi khối và Luniverse NFT dành cho thị trường NFT. Tháng 10-2022, Dunamu cũng hợp tác với LG Uplus, cung cấp các công nghệ liên quan đến metaverse, NFT, trò chơi và tài chính phi tập trung.

Tin cùng chuyên mục