Xuân sớm nơi đầu sóng

Không khí xuân đã rất rộn ràng ở những trạm radar tiền tiêu thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân khi đoàn công tác của chúng tôi, do Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân làm Trưởng đoàn, đến thăm ngày 19-1 vừa qua.

duong-co-dao-nam-du-7708.jpeg
Một góc đường trên đảo An Sơn

Trao đổi với phóng viên tại trạm radar 600 nằm trên xã đảo An Sơn, quần đảo Nam Du (thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan cho biết, với vai trò là đơn vị nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo Tây Nam của Tổ quốc, Vùng 5 Hải quân luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn, duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện sẵn sàng chiến đấu, chủ động tham mưu, xử trí kịp thời, hiệu quả mọi tình huống.

chuan-do-doc-nguyen-huu-thoan-4412.jpeg
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân

Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, chia sẻ, Tết Nguyên đán là thời điểm quan trọng, nhạy cảm, nên để đảm bảo một cái tết đầm ấm, an yên cho mọi nhà, mọi người, yếu tố quan trọng là phải làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự trên biển, không để xảy ra bị động bất ngờ.

"Chúng tôi đã tổ chức sắp xếp các kíp trực một cách khoa học, phối hợp với các lực lượng để quan sát, phân tích tình hình từ sớm, từ xa. Mặt khác, vùng cũng chú trọng công tác hậu cần, tăng cường bổ sung lương thực, thực phẩm, tổ chức nhiều hoạt động trước, trong và sau tết như trang trí phòng đón xuân, gói và nấu bánh chưng, hái hoa dân chủ, thi đấu cờ tướng, bình thơ… tạo ra không khí tết cổ truyền đầm ấm vui tươi, gắn kết tình đoàn kết quân dân", Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan cho biết.

chuyen-qua-2-6831.jpeg
Chuyển quà tết đến các đơn vị tiền tiêu

Do là những trạm gác tiền tiêu có nhiệm vụ phát hiện từ sớm, từ xa mọi yếu tố bất thường để dự báo, tham mưu và trực tiếp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh nên phần lớn lực lượng sẽ phải túc trực, sẵn sàng chiến đấu mà không thể nghỉ phép về ăn tết với gia đình. Đồng chí Nguyễn Hữu Thoan cho biết, các đơn vị sẽ phát huy sáng kiến, tùy điều kiện cụ thể để tổ chức đón và vui xuân trên tinh thần nêu cao cảnh giác, không quên nhiệm vụ.

goi-banh-chung-o-nam-du-3584.jpeg
Thành viên đoàn công tác cùng các chiến sĩ cùng gói bánh chưng đón xuân
vot-banh-chung-3556.jpeg
Những chiếc bánh chưng đầu tiên nóng hổi

Vùng biển Tây Nam của nước ta có diện tích khoảng 150.000km2 (tỉnh Kiên Giang 63.000km2, tỉnh Cà Mau 87.000 km2) với hơn 150 đảo, trong đó có 46 đảo có người sinh sống thuộc 5 quần đảo: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu. Chiều dài bờ biển khoảng 450km, tính từ cửa sông Gành Hào (Bạc Liêu) tới Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

mot-goc-dao-nam-du-6849.jpeg
Một góc biển Tây Nam, nhìn từ xã đảo An Sơn

Đây là vùng biển có vị trí địa kinh tế, địa chính trị rất thuận lợi cho dân cư sinh sống, phát triển kinh tế xã hội, nhất là ngành du lịch, dịch vụ, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh.

Trong đó, quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, nằm cách thành phố Rạch Giá khoảng 100km về phía đông bắc. Quần đảo gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống với hai đơn vị hành chính cấp xã là xã An Sơn và xã Nam Du. Trên đảo còn có các đơn vị dân sự và quân đội đứng chân như Trạm radar 600 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn biên phòng Nam Du, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang và Trạm hải đăng Nam Du thuộc Bộ GTVT.

Tin cùng chuyên mục