
Năm 2016, thị trường xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ sẽ có nhiều thay đổi. Điều này xuất phát từ việc có sự thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng của người Mỹ, là không còn thói quen mua trữ hàng hoặc mua trước dài ngày, họ chỉ mua hàng khi thời điểm giao mùa cận kề. Xu hướng tiêu dùng mới này đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt phải rút ngắn thời gian nhận hợp đồng và giao hàng nếu muốn giữ chân khách hàng Mỹ.
Ngắn ngày và đa dạng mẫu mã hơn
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 khoảng trên 27 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành may chiếm 85% cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, 30% DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70% doanh số, còn 70% DN Việt Nam chỉ chiếm 30% (trên dưới 8 tỷ USD). Trong đó, 85% DN Việt Nam vẫn thực hiện theo phương thức gia công nên kim ngạch thực nhận chỉ trên dưới 2 tỷ USD; bởi giá gia công chỉ chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm. Hay nói cách khác, hơn 6 tỷ USD đã rơi vào túi các công ty nước ngoài giao hàng gia công. Mặt khác, dựa trên chi phí đầu vào hiện nay, các DN gia công lãi bình quân 2%/doanh thu. Do đó, nộp ngân sách chỉ khoảng trên dưới gần 200 tỷ đồng. Điều này cho thấy, mặc dù kim ngạch ngành may năm 2015 cao, nhưng lợi nhuận thực tế thu được rất thấp.

Dệt xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Cao Thăng
Mức thực thu này sẽ có nguy cơ giảm trong thời gian tới khi xu hướng thay đổi thị hiếu tiêu dùng ngắn ngày đang chi phối thị trường xuất khẩu hàng dệt may. Ông Chris Griffin, Chủ tịch Sourcing at Magic (đơn vị chuyên tổ chức hội chợ và nghiên cứu thị trường của Mỹ), nhấn mạnh khác với trước đây, người tiêu dùng Mỹ thường có thói quen mua đồ trước để chờ đến mùa, thì hiện nay họ đã thay đổi bằng cách cận mùa mới mua để hợp với thời trang và thích hợp với thời tiết hơn. Theo đó, các nhà phân phối hàng cũng sẽ rút ngắn thời gian đặt đơn hàng từ 120 ngày xuống còn 30 - 60 ngày. Những đơn hàng có số lượng lớn sẽ giảm, ngược lại đơn hàng có số lượng nhỏ nhưng đa dạng về mẫu mã lại tăng. Nếu chỉ dựa theo hình thức sản xuất gia công đơn thuần như hiện nay, DN Việt nếu không chuyển đổi kịp thời e rằng sẽ khó đáp ứng yêu cầu của những dạng đơn hàng kiểu mới này. Chưa kể, DN Việt Nam còn phải thay đổi để thích ứng với những tiêu chuẩn liên quan đến trách nhiệm môi trường, an toàn lao động đang được chính quyền Mỹ siết chặt nhằm tăng rào cản kỹ thuật, hạn chế sản phẩm nhập khẩu đến từ những nước khác.
Mất cơ hội nếu vẫn “làm thuê”
Nếu không thay đổi phương thức kinh doanh thì dù hội nhập, các DN Việt vẫn mãi gia công, lợi thế hội nhập sẽ không còn ý nghĩa. Không những thế, nếu 100% DN Việt Nam có thể thực hiện phương thức thiết kế, may và xuất khẩu thì sẽ tăng từ 2% lên 5% lợi nhuận/doanh thu. Lợi nhuận thực thu được tăng gần 12 lần so với cách thức gia công như hiện nay. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ bền vững hơn và thích ứng nhanh với những xu hướng thay đổi của người tiêu dùng nói chung. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Văn phòng đại diện Vitas tại TPHCM cho biết, dự báo doanh số ngành may vào năm 2020 sẽ đạt mốc 30 tỷ USD. Những cơ hội mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cho Việt Nam là vô cùng lớn, nhưng không phải khi có hiệu lực thì TPP sẽ mang lại ngay những lợi ích cho DN. Việc tận dụng cơ hội của TPP còn tùy thuộc vào những chính sách của Chính phủ cũng như nỗ lực của chính các DN. Trong đó, các DN dệt may, da giày cần có chiến lược và những biện pháp thích hợp để tăng cường xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất thương mại May Sài Gòn, khẳng định điều kiện xuất xứ từ TPP mang lại cơ hội để các DN Việt có thể thay thế nguồn cung của khách hàng. Vấn đề còn lại là sản phẩm của chúng ta phải có giá thành cạnh tranh và thiết kế phong phú, đáp ứng yêu cầu thời trang, mùa vụ của thị trường. Thế nhưng, cũng phải thấy rằng, để đáp ứng những chuyển biến mới trên thị trường, bên cạnh việc đổi mới tư duy kinh doanh của các DN, cần có thêm chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN may mặc chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng). Một trong những chính sách thiết yếu nhất hiện nay là phải thu hút được nhà đầu tư sản xuất và cung ứng nguồn nguyên liệu cho các DN nội địa. Tránh tình trạng như hiện nay, nhà đầu tư thì nhiều, họ được hưởng đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước nhưng DN nội địa vẫn khát nguồn cung vì họ chỉ cung ứng cho công ty mẹ ở nước ngoài.
Về phía Chính phủ, chỉ đạo cơ quan hữu quan thống kê, phân tích cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, từ đó tổng hợp, dự báo nhu cầu nguyên liệu theo chủng loại để làm cơ sở hoạch định cơ cấu sản xuất sản phẩm hỗ trợ. Đây là cơ sở để hoạch định đầu tư công nghệ, chiến lược sản phẩm, khai thác tối ưu năng lực thiết bị, công nghệ. Nói cách khác, đầu tư công nghiệp hỗ trợ sẽ “bán cái ngành may cần, không bán cái họ có” trên cơ sở kết nối cung cầu - một cơ sở quan trọng để sản phẩm Việt có giá thành cạnh tranh.
| |
ÁI VÂN