(SGGP).- Sản xuất nông nghiệp cung đang vượt cầu trong khi chúng ta không có quy hoạch một cách bài bản, mang tính chiến lược cũng như còn rất yếu kém về công tác dự báo thị trường là những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 4 tháng đầu năm sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng và giá trị. Đó là một trong những nội dung được nêu ra tại cuộc đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27-4 tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và đại diện hiệp hội doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước trong những tháng đầu năm 2015 đã giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu như các mặt hàng nông sản của chúng ta đều sụt giảm sâu. Trong đó có những mặt hàng chiến lược như lúa gạo giảm tới 28,1%, cà phê giảm trên 40%, thủy sản giảm trên 20%... Có nhiều nguyên nhân như suy thoái kinh tế thế giới vẫn còn chưa thể phục hồi, trong khi cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng gay gắt, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém và chưa xây dựng được thương hiệu.
Trong cuộc đối thoại, các chuyên gia đều thừa nhận rằng, do không làm tốt bài toán quy hoạch nên hiện nay có những mặt hàng, nguồn cung và sản lượng đã tăng hơn 40%. Có nhiều sản phẩm đã vỡ quy hoạch, như cà phê chỉ cho phép trồng khoảng 520.000ha thì hiện lên hơn 620.000ha, cao su quy hoạch 800.000ha đã phát triển hơn 1 triệu ha. Mới đây là câu chuyện cây mắc-ca, các bộ mới đang nghiên cứu quy hoạch nhưng các địa phương đã trồng 5.000 - 6.000ha. Trong khi sản lượng dư thừa thì chất lượng lại không được quan tâm đúng mức. Đó là lý do việc mở rộng và xâm nhập thị trường xuất khẩu, gia tăng năng lực cạnh tranh còn khó khăn, yếu kém.
Câu chuyện về dưa hấu, hành tím và lúa gạo dư thừa, ách tắc đầu ra hoặc bị ép cấp, ép giá dẫn tới khó khăn cho người nông dân xảy ra thời gian gần đây đã được các chuyên gia nhiều lần đề cập trong cuộc đối thoại. Để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc về đầu ra cho nông sản như hiện nay, đại diện Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đều cùng cho rằng cần phải thể hiện tốt hơn nữa sự phối hợp nhịp nhàng trong quản lý và định hướng thị trường của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là các bộ ngành ở trung ương và chính quyền các địa phương cần phải làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu và nông sản cũng như gia tăng khả năng dự báo thị trường để chủ động điều tiết cung - cầu.
Ông Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, để tháo gỡ đà sụt giảm xuất khẩu nông sản, hướng tới giữ vững mục tiêu đạt tổng kim ngạch 32 tỷ USD trong năm 2015, giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã có sự bàn bạc về các giải pháp sẽ triển khai như triệt để cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về chính sách, tăng cường hơn nữa khả năng dự báo thị trường và đặc biệt là làm tốt hơn công tác quy hoạch vùng sản xuất và sản lượng nông sản, tránh tình trạng đổ xô trồng chặt, dư thừa đầu ra như hiện nay cùng với hàng loạt giải pháp đồng bộ khác sẽ được triển khai.
VĂN PHÚC