Xung đột Israel - Palestine: Cần giải pháp lâu dài, căn cơ

Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, Palestine đã đồng ý ngừng bắn từ ngày 21-5 sau hơn một tuần xung đột khiến hàng trăm người (đa số người Palestine) thiệt mạng. Tuy nhiên, dư luận đang yêu cầu nhanh chóng tìm giải pháp ổn định lâu dài.

Nỗ lực ngoại giao

Thỏa thuận ngừng bắn đạt được sau các nỗ lực ngoại giao con thoi. Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính phủ của ông đã liên lạc với Chính phủ Israel trong vài ngày qua, trong đó có cả 4 cuộc điện đàm của ông Biden với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao chuyên sâu hàng giờ với Ai Cập, chính quyền Palestine và các quốc gia Trung Đông khác với mục đích ngừng xung đột kéo dài”.

Trong 11 ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thực hiện một cuộc không kích tàn khốc trên không vào Dải Gaza. Theo Liên hiệp quốc (LHQ), khoảng 72.000 người ở Gaza phải sơ tán để tránh các cuộc không kích của Israel.

Theo bộ y tế trực thuộc chính quyền Hamas, các cuộc không kích của Israel đã giết chết 232 người Palestine, trong đó có 65 trẻ em. Từ Gaza, Hamas bắn hàng ngàn quả rocket vào Israel khiến ít nhất 12 người Israel, trong đó có 2 trẻ em, thiệt mạng - theo phía Israel.

Xung đột Israel - Palestine: Cần giải pháp lâu dài, căn cơ ảnh 1 Người dân Palestine vui mừng với lệnh ngừng bắn

Vẫn theo CNN, một nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas cho biết, thỏa thuận ngừng bắn, theo các điều khoản do Ai Cập làm trung gian, bắt đầu lúc 2 giờ sáng theo giờ địa phương vào ngày 21-5.

Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Israel tuyên bố, quân đội của họ sẽ bắt đầu lại chiến dịch không kích nếu rocket từ Gaza tiếp tục bắn vào Israel. Theo tuyên bố của văn phòng này, giới lãnh đạo chính trị Israel nhấn mạnh tình hình thực địa sẽ quyết định việc nối lại chiến dịch không kích hay không.

Giải pháp chính trị

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas nhưng cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông Guterres nói với các phóng viên rằng, ông muốn nối lại các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, đồng thời kêu gọi nhanh chóng gửi hàng viện trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza.

Theo AP, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh: “Ngoài việc ngừng xung đột, các nhà lãnh đạo Israel và Palestine có trách nhiệm bắt đầu đối thoại để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Gaza là một phần không thể tách rời của Nhà nước Palestine trong tương lai và không nên bỏ qua nỗ lực nào để mang lại hòa giải dân tộc, hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới năm 1967, các nghị quyết LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung”.

Ông Antonio Guterres cũng đánh giá cao những nỗ lực của Ai Cập và Qatar cùng với sự phối hợp của LHQ nhằm giúp khôi phục sự yên bình ở Gaza và Israel, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng ngày đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas. Trên trang Twitter, bà Ursula von der Leyen viết: “Tôi hối thúc 2 bên củng cố thỏa thuận (ngừng bắn) và ổn định tình hình lâu dài. Chỉ có giải pháp chính trị mới mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho tất cả mọi người”. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố: “Giờ đây, chúng ta hãy tập trung vào viện trợ nhân đạo và tái thiết cho người dân Palestine”.

Tin tức về lệnh ngừng bắn giữa Israel - Hamas xuất hiện trong lúc đang diễn ra cuộc họp khẩn của Đại hội đồng LHQ về tình hình Palestine với sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Khóa 75 Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir và đại diện 95 nước, nhóm nước thành viên và quan sát viên của LHQ.

Tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, tái khẳng định lập trường của Việt Nam cho rằng con đường duy nhất bền vững cho vấn đề hòa bình Trung Đông là thực hiện giải pháp hai Nhà nước, trong đó thành lập Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô cùng tồn tại hòa bình cùng với Nhà nước Israel với các đường biên giới được quốc tế công nhận trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967 và thỏa thuận đàm phán, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và các nghị quyết của LHQ có liên quan.

Tin cùng chuyên mục