Y án 30 năm tù đối với Phạm Công Danh

Ngày 24-1, sau gần một tháng xét xử, phiên tòa phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt VNCB), nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (gọi tắt CB), đã kết thúc.
Y án 30 năm tù đối với Phạm Công Danh

>> Vụ sai phạm tại VNCB: Cần xử phạt bị cáo Phạm Công Danh mức án cao nhất 
>> Xét xử vụ sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng
>> Đề nghị tuyên Phạm Công Danh mức án 30 năm tù

(SGGP).- Ngày 24-1, sau gần một tháng xét xử, phiên tòa phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt VNCB), nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (gọi tắt CB), đã kết thúc.

Bị cáo Phạm Công Danh (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) cùng đồng phạm trong phiên tòa ngày 16-8-2016

Nhận định bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án, hội đồng xét xử bác kháng cáo kêu oan của bị cáo, tuyên y án sơ thẩm 30 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Các bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB, bị TAND TPHCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt 22 năm tù), Mai Hữu Khương (nguyên thành viên Hội đồng quản trị, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, án sơ thẩm tuyên 20 năm tù), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang, án sơ thẩm tuyên 19 năm tù) cùng 21 bị cáo đồng phạm khác cũng bị bác kháng cáo, giữ nguyên mức án sơ thẩm. Theo hội đồng xét xử, những bị cáo này đã được tòa án cấp sơ thẩm xem xét tất cả các tình tiết giảm nhẹ để tuyên mức án phù hợp, các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới. Ngoài ra, hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định khởi tố vụ án đối với bà Phạm Thị Trang (tức Trang “phố núi”), bà Hứa Thị Phấn và một số thành viên của TrustBank vì đã có một số sai phạm trong hoạt động cho vay, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

Khoản tiền 5.190 tỷ đồng bị Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới rút ra trong khi không có chữ ký của bà Trần Ngọc Bích - chủ tài khoản trên các ủy nhiệm chi là một trong những nội dung được tranh luận quyết liệt tại cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm. Số tiền này được nhóm bà Bích vay của VNCB bằng 124 sổ tiết kiệm, sau đó bị ông Danh rút trái phép. Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Bích xin được nhận lại số tiền này. Theo hội đồng xét xử, đây là khoản tiền bà Bích nợ VNCB, là vật chứng của vụ án nên cần thu hồi để trả cho VNCB; bị cáo Danh có trách nhiệm trả lại cho bà Bích số tiền này và hai bên có thể giải quyết bằng một vụ án dân sự khác. Hội đồng xét xử cũng chấp nhận đề nghị của đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa về việc xem xét trách nhiệm hình sự của bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cha bà Bích) và hai cán bộ ngân hàng VNCB là Vũ Thị Như Thảo, Trần Trọng Nghĩa đã đóng vai trò giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh rút tiền, gây thiệt hại cho VNCB 5.190 tỷ đồng. Theo đó, hội đồng xét xử sẽ kiến nghị trong giai đoạn hai của vụ án Phạm Công Danh cần tiếp tục làm rõ số tiền lãi ông Thanh, bà Bích nhận từ bị cáo Danh và số tiền bà Bích nhận từ bà Phạm Thị Trang để xử lý những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục