(SGGPO).- Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13-10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, các quan hệ dân sự, thương mại với đối tác nước ngoài hiện đang phát triển mạnh mẽ, phong phú đa dạng cả về nội dung và hình thức, nhưng bên cạnh các tác động tích cực cũng làm phát sinh tác động tiêu cực mà hệ quả tất yếu là các vụ việc tranh chấp về dân sự, thương mại, hành chính có yếu tố nước ngoài.
Nếu trong giai đoạn từ năm 2008 - 2011, trung bình mỗi năm Việt Nam gửi đi khoảng gần 1.800 yêu cầu ủy thác tư pháp (UTTP) thì đến giai đoạn năm 2012-2014 con số này đã tăng lên đến gần 3.000 yêu cầu, trong đó khoảng 80% là các yêu cầu tống đạt giấy tờ, tài liệu. Tuy nhiên, có tới 85% yêu cầu UTTP gửi ra nước ngoài năm 2014 là gửi đi những nước chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, tỷ lệ không có kết quả lên đến 52% và nếu có kết quả thì thời gian thực hiện thường rất dài, có khi đến hàng năm. Hệ lụy là vụ việc không xét xử được hoặc giải quyết rất chậm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân và công tác xét xử của Tòa án.
Vẫn Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định, trong các thiết chế đa phương tương trợ tư pháp về dân sự, Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (sau đây gọi tắt là Công ước Tống đạt) là công ước quan trọng nhất trong lĩnh vực tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp với 68 thành viên là các quốc gia từ các hệ thống pháp luật khác nhau. Thực tiễn thực thi Công ước Tống đạt của các nước thành viên đều cho thấy, việc thực hiện tống đạt giấy tờ theo quy định của Công ước đạt kết quả rất cao (trên 90%) với thời gian ngắn (hầu hết được thực hiện trong vòng 2 tháng). Trong bối cảnh số lượng yêu cầu tống đạt giấy tờ của Việt Nam (chiếm trên 80% yêu cầu UTTP về dân sự) đang ngày càng gia tăng và việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực dân sự gặp nhiều khó khăn, thì việc gia nhập Công ước Tống đạt là thật sự cấp thiết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày báo cáo tại phiên họp UBTVQH chiều 13-10
Giải trình về quyền và nghĩa vụ của Việt Nam khi trở thành thành viên Công ước Tống đạt, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, Việt Nam sẽ có các quyền chính như yêu cầu các quốc gia thành viên khác thực hiện các yêu cầu tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp của mình theo quy định tại Công ước; lựa chọn tuyên bố áp dụng hoặc bảo lưu các hình thức tống đạt của Công ước, phù hợp với pháp luật và điều kiện của mình; rút khỏi Công ước bất kỳ thời điểm nào.
Đồng thời, trở thành quốc gia thành viên của Công ước Tống đạt, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu tống đạt giấy tờ của các quốc gia thành viên khác phù hợp với phạm vi, yêu cầu và quy trình thủ tục được quy định tại Công ước này. Về mặt thủ tục, Việt Nam có nghĩa vụ chỉ định Cơ quan Trung ương, cơ quan có thẩm quyền gửi hồ sơ tống đạt ra nước ngoài; chỉ định cơ quan có thẩm quyền trả xác nhận kết quả tống đạt theo quy định tại Điều 6; chỉ định cơ quan có thẩm quyền nhận hồ sơ tống đạt qua kênh lãnh sự, ngoại giao tại Điều 9. Việt Nam có thể đưa ra các tuyên bố (nếu có) theo quy định tại các điều trong Công ước liên quan đến việc không áp dụng các kênh tống đạt khác; việc xét xử vắng mặt khi không nhận được Giấy xác nhận kết quả tống đạt với giấy triệu tập bị đơn) và thời hiệu để xét đơn kháng cáo quá hạn của bị đơn). Công ước Tống đạt không đặt ra bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cho các nước thành viên khi tham gia Công ước (không phải nộp niên liễm).
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước và 70 vùng lãnh thổ Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, có hiệu quả, cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước và 70 vùng lãnh thổ, có quan hệ thương mại với 165 nước và vùng lãnh thổ, tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng. Số liệu thống kê đưa ra tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài Hội nhập và phát triển cùng đất nước” do Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, số lượng người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại nước ngoài trong những năm qua đã lên tới 4,5 triệu người. Đồng thời, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút 1588 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1.5642,6 triệu USD tăng 24,5% về số dự án và 9,6 % về số vốn so với năm 2013. Còn theo số liệu của Bộ Công an, số lượng người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tăng lên từ 5 đến 10 % mỗi năm. |
(Trích Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp UBTVQH)
ANH PHƯƠNG