Tại Nam Trung bộ có nắng nóng. Tại Bắc Trung bộ, lũ trên các sông ở Nghệ An, Thanh Hóa đang xuống; riêng lũ trên hạ lưu sông Thương, sông Cả đang lên. Dự báo lũ các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục xuống (riêng hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn và sông Thương tại Phủ Lạng Thương tiếp tục lên).
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, tính đến ngày 19-8 có 10 người chết lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, 2 người vẫn bị mất tích do lũ cuốn trôi (Sơn La: 1 người, Thanh Hóa: 1 người).
Mưa lũ sau bão đã để lại hậu quả nặng nề tại Bắc Trung bộ, làm 33 ngôi nhà bị sập; 3.422 nhà bị ngập tại Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, nhưng nặng nề nhất là tại Thanh Hóa và Nghệ An. Mưa lũ cũng làm 401 con gia súc bị chết, 17.168 con gia cầm bị chết hoặc lũ cuốn trôi, trong đó tại Thanh Hóa có 3.747 con; Nghệ An có 13.391 con. Diện tích thủy sản bị ảnh hưởng là 1.115ha (Thanh Hóa: 125ha, Nghệ An: 990ha).
Trong khi tại Bắc Trung bộ chịu ảnh hưởng nặng của mưa lũ sau bão thì theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tại ấp Tân Phong, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cũng xảy ra dông lốc gây sập tường nhà dân, làm 2 người chết. Nguyên nhân dông lốc là do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh vừa chịu thiệt hại do bão, mưa lũ tập trung huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả, nhất là tại 3 tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An; tiếp tục tìm kiếm người mất tích tại Sơn La, Thanh Hóa; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa, đảm bảo sinh hoạt cho những hộ dân phải sơ tán và bị cô lập tại 26 xóm, bản thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) hiện nay vẫn đang bị chia cắt bởi nước lũ…