
(SGGP-12G).- Đó chính là ông Hà Xuân Thùy ở bản Gà, xã Vân Sơn (Sơn Động, Bắc Giang), đã gần 60 tuổi nhưng 25 năm qua, ông tình nguyện mang tiếng nói phát thanh – tiếng nói của Đảng, Nhà nước về với bà con dân bản.
Bán heo sắm… đài

Đã 25 năm qua, ông Hà Xuân Thùy luôn gắn bó với công việc phát thanh của bản Gà
Những ngày này ở Vân Sơn trời mưa phùn không ngớt. Vượt qua hàng chục kí lô mét đường rừng, chúng tôi mới đến được bản Gà. Vân Sơn là xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Sơn Động và bản Gà lại chính là bản xa nhất của xã Vân Sơn. Nằm lọt thỏm phía sau những ngọn đồi, cuộc sống của người dân bản Gà như hoàn toàn biệt lập với bên ngoài. Cũng vì địa hình hiểm trở nên việc đưa thông tin đến được với người dân trong bản là một thách thức vô cùng khó khăn đối với những người làm công tác tuyên truyền.
Năm 20 tuổi, Hà Xuân Thùy tình nguyện tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Sau ngày đất nước thống nhất, ông xuất ngũ trở về quê hương. Sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân Phát thanh, ông tham gia đội chiếu bóng quốc doanh Hà Bắc. Trong thời gian này, ông cùng các đồng nghiệp lặn lội khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa để đem thông tin, phim tài liệu phục vụ bà con dân tộc. Từ những chuyến đi thực tế, ông thấu hiểu được những khó khăn và lạc hậu khi người dân không có thông tin.
Chính những trăn trở trên đã thôi thúc ông phải làm cái gì đó giúp người dân vùng sâu, vùng xa nâng cao đời sống tinh thần và vật chất. Năm 1984, ông mua từ tỉnh về một chiếc đài, thế là “tối nào cũng vậy, khi công việc đồng áng xong xuôi là người dân trong bản lại tập trung về nhà tôi để nghe đài” – ông Thùy cho biết. Người dân quan tâm đến thông tin ở đài đã trở thành động lực cho ông đem bán… con heo 50kg, cũng là tài sản lớn nhất của gia đình, để mua một chiếc máy phát điện. Sau khi có điện, ông lên hợp tác xã mượn loa và tự kết nối các thiết bị phát thanh. Từ đó, nhà ông trở thành “trụ sở” phát thanh ở bản.
Không những tiếp sóng cho bà con nghe chương trình của đài tỉnh, trung ương mà mỗi khi trong bản có việc riêng là ông lại thông báo trực tiếp qua loa cho bà con nghe. “Khi thôn có họp hành, ruộng lúa có sâu bệnh, nhà nào mất trâu, bò… là đều thông báo lên đài hết” – ông Thùy cho hay. Đã 25 năm gắn bó với “Đài Phát thanh bản Gà” nhưng ông chưa nhận được bất cứ một đồng lương nào. Vì theo ông Lê Hồng Dương, trưởng thôn bản Gà: “Vẫn biết đài rất quan trọng đối với việc phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức… cho người dân, nhưng do không nằm trong biên chế của xã nên không có kinh phí hỗ trợ”.
Mong ai cũng được “no” cái tin
“Đài Truyền thanh bản Gà” giờ được chuyển ra “ở riêng”. “Bản doanh” mới của đài được đặt tại nhà y tế bỏ hoang vừa đủ kê một chiếc bàn làm việc và cũng là nơi tiếp khách. Ngày nào cũng vậy, từ 5g sáng, ông đã có mặt để mở đài phát cho bà con nghe. Ngoài việc tiếp sóng, ông còn tự “sản xuất” các chương trình có độ dài từ 5-15 phút với những nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước, kiến thức về sản xuất nông nghiệp hiệu quả và các chương trình ca nhạc theo yêu cầu...
Vì những việc làm “không giống ai” đấy, có người bảo ông là “khùng” nhưng ông gạt đi: “Người ta bảo gì cũng được miễn là mình thấy có lợi cho dân, cho bản là mình làm”. Cuối năm 2005, trên đường đi “lấy tin” làm chương trình tuyên truyền về dịch lở mồm long móng ở trâu, bò, đường trơn trượt khiến ông bị ngã và ảnh hưởng đến não, liệt nửa người. Sau tai nạn, việc đi lại của ông trở nên vô cùng khó khăn. Không nản chí, ông vẫn động viên con cái sau này đi học lấy cái chữ mà về nối nghiệp bố. Hằng ngày, ông Thùy vẫn cố gắng đến “trụ sở” đài để truyền thanh cho bản.
Cụ Dương Thị Côi, 80 tuổi, người trong bản vui vẻ nói: “Không có đài thì nhớ lắm, chưa được nghe đài như chưa được ăn cơm, uống nước vậy…”. Được bà con dân bản tin tưởng là nguồn động viên lớn lao đối với ông Thùy, ông tâm sự: “Dù đi lại khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng làm tốt công tác truyền thanh, chỉ mong sao bà con thôn bản ai cũng được “no” cái tin, đời sống kinh tế đi lên”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, cho biết: “Nhờ có đài của bác Thùy mà việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước nhanh chóng đến với dân bản. Trải qua bao khó khăn, Đài Truyền thanh bản Gà đã được người dân tin yêu. Chúng tôi luôn quan tâm đến công tác phát thanh, thời gian tới xã sẽ xem xét trích nguồn kinh phí để hỗ trợ cho hoạt động của đài”.
Chúng tôi rời bản Gà khi mặt trời đã khuất phía sau núi, bản làng nơi đây lại bắt đầu chìm trong sương mờ ảo, nhưng vẫn còn vang vọng đâu đây lời xướng “Đây là đài truyền thanh của bản”….
Kỳ Ninh