Cụ thể, mặt hàng điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 38,6 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 25,4 tỷ USD, tăng 16,9%. Hàng dệt may cũng tăng mạnh, đạt 24,8 tỷ USD, tăng 10,4%. Riêng mặt hàng giày dép đạt 13,3 tỷ USD, tăng 13,5% và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,9 tỷ USD, tăng 7,5%. Các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tuy gặp nhiều khó khăn do các thị trường áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật mới, nhưng các doanh nghiệp cũng đã nỗ lực xuất khẩu và đạt 7,5 tỷ USD, tăng 17%. Mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 6,4 tỷ USD, tăng 8,1%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản 9 tháng năm nay đều giảm mạnh. Trong đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng cà phê đạt 2,2 tỷ USD, giảm 20,7%, kế đến là gạo đạt 2,2 tỷ USD, giảm 9,7%. Các mặt hàng khác như hạt điều, rau quả, tiêu, chè… cũng có mức giảm từ 4% - 6%.
Theo nhìn nhận chung của các chuyên gia kinh tế, sở dĩ có sự mất cân xứng trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữa các ngành là do phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Theo đó, mặt hàng nông thủy hải sản giảm mạnh do phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu Trung Quốc. Do vậy, khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt rào cản tiêu chuẩn nhập khẩu thì hàng nông thủy hải sản Việt Nam gặp khó. Còn thị trường xuất khẩu của các mặt hàng điện, điện tử, dệt may, da giày… chủ yếu là Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… nên doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì lợi thế xuất khẩu.
Hiện Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 31,1 tỷ USD, giảm 0,7%; thị trường ASEAN đạt 19,4 tỷ USD, tăng 4,7%; Nhật Bản đạt 15,1 tỷ USD, tăng 10%; Hàn Quốc đạt 14,5 tỷ USD, tăng 8,1%.
Tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính chung 9 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 59,57 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 134,73 tỷ USD, tăng 5%, chiếm 69,3%.
Cùng ngày, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 9-2019 ước đạt 890,8 triệu USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2018, nâng tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2019 ước đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ 2018. Xuất siêu lâm sản đạt 6,06 tỷ USD. Gỗ và lâm sản được xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là thị trường chủ yếu.