Cụ thể, dữ liệu KCB tại các bệnh viện TP và bệnh viện thuộc Bộ Y tế trên địa bàn cho thấy, tỷ lệ đa tuyến (người bệnh có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế khác chuyển đến hoặc tự đến và người bệnh đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế đó nhưng thẻ BHYT do BHXH tỉnh khác phát hành) đến ngoại tỉnh trái tuyến tăng 26% và tỷ lệ đa tuyến đến nội tỉnh trái tuyến tăng 20%.
Số lượt khám ngoại trú tăng 0,05%, số lượt điều trị nội trú giảm 1,71% (tính cả các bệnh viện bộ, ngành). Số lượt khám, chữa bệnh BHYT có hiện tượng tăng cả tỷ lệ bệnh nhân đa tuyến đến nội tỉnh trái tuyến và đa tuyến đến ngoại tỉnh trái tuyến (tỷ lệ đa tuyến đến ngoại tỉnh trái tuyến tăng 20%, tỷ lệ đa tuyến đến nội tỉnh trái tuyến tăng 26%). Dữ liệu KCB của các bệnh viện TP trong quý 1-2021 cho thấy, xu thế người bệnh tham gia BHYT cư ngụ tại TP và các tỉnh khu vực phía Nam đến thẳng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố để điều trị nội trú là tất yếu do được BHYT thanh toán 100% theo quy định mới. Do đó, bên cạnh việc các bệnh viện phải xây dựng tiêu chí nhập viện rõ ràng, việc chi tiêu hợp lý trong sử dụng thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thời gian nằm viện… càng có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo cân đối thu - chi trong hoạt động của bệnh viện. “Trong thời gian tới, Sở Y tế và BHXH TP sẽ tiếp tục đánh giá tình hình KCB BHYT tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố theo hàng quý, nhất là sự biến động số lượt đa tuyến đến nội tỉnh và ngoại tỉnh trái tuyến để kịp thời điều phối hợp lý dự toán chi KCB BHYT trên địa bàn thành phố”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết.