30% công chức không làm được việc chỉ là “dư luận”

Sáng nay, 20-11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về một số vấn đề “nóng” trong công tác tổ chức cán bộ, tinh giản bộ máy công chức, viên chức.
30% công chức không làm được việc chỉ là “dư luận”

(SGGPO). - Sáng nay, 20-11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về một số vấn đề “nóng” trong công tác tổ chức cán bộ, tinh giản bộ máy công chức, viên chức.

Chưa rõ bao nhiêu cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”

Nhiều đại biểu đã đề cập tới con số 30% công chức, viên chức không làm được việc, hay nói một cách hình tượng là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Các đại biểu Danh Út (Kiên Giang) và Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình làm rõ con số này. Với trách nhiệm của mình, bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này và bộ trưởng đã giải quyết vấn đề này như thế nào? Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, tại cuộc họp tổng kết ngành nội vụ năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nêu ra vấn đề này, cho biết “có dư luận cho rằng có 30% cán bộ, công chức không làm được việc” chứ đó không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, đây là những phản ánh, kiến nghị, đòi hỏi phải đổi mới cải cách công tác cán bộ, quản lý cán bộ, viên chức, đổi mới công vụ nhiều hơn. Cần các biện pháp toàn diện, đồng bộ trong tổ chức thực hiện để tìm được tiếng nói chung. Ý thức được điều đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020. Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt chương trình cải cách công chức, viên chức từ nay đến 2015. Phần đánh giá cán bộ công chức, viên chức trong thời gian qua đã phân cấp các bộ ngành, địa phương nhưng đứng về trách nhiệm quản lý nhà nước thì Bộ Nội vụ "cũng có trách nhiệm".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, để có tiếng nói chung thì các địa phương, bộ ngành cần thực hiện một số giải pháp như: tinh gọn bộ máy, thực hiện mô tả công việc, bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, hoàn thiện tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ công chức... Bộ trưởng cho rằng để làm được điều này, trách nhiệm là của chung cán bộ công chức, các địa phương, bộ ngành, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) phân tích, nếu đúng là có 30% cán bộ, viên chức không làm việc, thì số người này mỗi năm nhà nước phải chi tới 17.000 tỷ đồng lãng phí. “Nếu không phải là 30% thì là bao nhiêu, xin Bộ trưởng cho biết ý kiến?” - ông Hà hỏi.

Tiếp tục phong thái khá chậm rãi và có phần né tránh, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: “Nói con số bao nhiêu thì không có cơ sở, nếu làm đúng những giải pháp như đã trình bày ở trên thì sẽ đến thời điểm có tiếng nói chung về vấn đề này”.

Chưa hài lòng, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) truy tiếp: “Vậy Bộ Nội vụ có tính đến việc điều tra dư luận về con số 30% hay không, và Bộ trưởng có thay đổi ý kiến về việc chỉ có 1% cán bộ không làm được việc hay không, bởi cả 2 con số trên điều khiến người dân chưa yên lòng?”.

Trước khi trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình quay sang xin phép chủ tọa phiên họp “nói không được ngắn” nhưng sau đó lại dẫn một loạt quy định về đánh giá chất lượng, tuyển dụng cán bộ công chức để giải thích. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời và đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi.

Bộ trưởng giải trình tiếp: “Số liệu vừa qua chúng tôi báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tập hợp từ các bộ, ngành, địa phương. Còn quan điểm của Bộ Nội vụ là phải có một kế hoạch, lộ trình để tạo sự thống nhất về tỷ lệ phần trăm đội ngũ công chức, viên chức không làm được việc”.

Kết luận phần hỏi đáp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng như vậy cơ bản đã rõ, Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của đại biểu là phải kiểm tra lại tỷ lệ 1% đã nêu trước đó vì đó mới là số liệu các bộ, ngành, địa phương báo cáo. “Kiểm tra lại nghĩa là con số đó chưa chính xác. Còn con số 30% là theo dư luận, bây giờ cũng phải kiểm tra để đánh giá. Quản lý nhà nước là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bộ trưởng đã hứa là sẽ kiểm tra và sẽ có báo cáo với Quốc hội” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Tinh giảm nhưng biên chế vẫn tăng hơn 20%?

Liên quan đề án tinh giản biên chế cán bộ công chức, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng việc tinh giảm đội ngũ cán bộ công chức vừa qua không đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể: số cán bộ công chức nghỉ việc từ năm 2010-2012 là hơn 28.000 người, nhưng số tuyển mới lại hơn 69.800 người, tăng 41.719 người. Như vậy số tuyển mới bằng 148% số người nghỉ. "Trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước việc cán bộ công chức không những không giảm thậm chí còn tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện nghị quyết về tinh giảm biên chế ra sao? Trong thời gian tới, Bộ có giải pháp nào để tiếp tục tinh giảm biên chế?" – đại biểu Trần Ngọc Vinh chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ công chức là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận từ năm 2007 đến 2012, biên chế công chức tăng trên 35.000 người (tăng 15,09%); biên chế viên chức tăng trên 381.000 người (tăng 25,29%). Lý do là phải bổ sung biên chế cho các đơn vị mới được thành lập, các đơn vị mới có thêm chức năng hoặc để đảm bảo chứ năng, nhiệm vụ được giao cho những đơn vị khác nữa. Những lĩnh vực tăng biên chế là: môi trường, đất đai, biển đảo, du lịch, hải quan...

30% công chức không làm được việc chỉ là “dư luận” ảnh 2

Đại biểu Chu Sơn Hà tại buổi chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà về viêc liệu có hay không tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong chính đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: “Qua những năm gần đây, qua các kỳ họp Quốc hội, các kỳ họp Trung ương, cá nhân tôi và Bộ Nội vụ đặc biệt quan tâm vấn đề này. Nhiều nghị quyết của Đảng đã có đánh giá, đó là quan điểm tư tưởng gối đầu của các cơ quan làm công tác tổ chức”.

Theo Bộ trưởng, những nội dung mà đại biểu nêu thì phải tập trung đề ra các giải pháp phòng chống tiêu cực tham nhũng trong lĩnh vực công tác cán bộ. Vừa qua, Bộ Nội vụ dự kiến trình Chính phủ ban hành nghị định về phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, nhưng qua tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan, qua các cuộc hội thảo, cuối cùng Thủ tướng yêu cầu xây dựng dự thảo một chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này. “Hy vọng chỉ thị này được ban hành thì sẽ sớm đi vào cuộc sống, xử lý giải quyết các trường hợp mà đại biểu quan tâm” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói.

HÀM YÊN

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử: “Công tác cán bộ còn ngắn hạn, thiếu chiến lược lâu dài”

Tôi cho rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cho vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều điều đáng suy nghĩ. Đào tạo không phải vấn đề gì quá phức tạp, nhưng đòi hỏi chúng ta phải đánh giá đúng nhu cầu và có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, cụ thể. Thiếu loại cán bộ gì phải tập trung vào đó. Chúng ta đưa ra giải pháp đưa 500 cử nhân trẻ về làm Phó Chủ tịch xã. Việc này cũng có mặt tốt, nhưng tại sao không có kế hoạch đào tạo tại chỗ? Đưa cán bộ ở nơi khác về cũng có không ít khó khăn cho họ. Cán bộ ở miền xuôi lên không biết tiếng dân tộc, không am hiểu phong tục tập quán địa phương. Tại sao không đào tạo, sử dụng đội ngũ là cán bộ tại chỗ? Có lẽ phải nghĩ nhiều hơn; đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác cán bộ. Cuối cùng phải sử dụng đúng người và mang tính chiến lược lâu dài.

ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng: Biên chế muốn giảm lại “phình”

Tôi thấy còn băn khoăn rất lớn về công tác cán bộ. Trong 5 năm vừa qua, chúng ta đã chưa thực hiện được việc tinh giản biên chế như mong muốn. Chúng ta cứ hô hào tinh giản tổ chức bộ máy, nhưng theo thống kê thì chúng ta đã vượt mất 20% so với mục tiêu. Khâu tổ chức thi tuyển như thế nào mà sao người sử dụng lao động đánhgiá năng lực của người được tuyển dụng là không đạt? Rất cần phải suy nghĩ. Vừa rồi Bộ Nội vụ có siết lại chất lượng thi tuyển công chức, cho nên đánh trượt rất nhiều. Nhưng tôi vẫn không đồng tình lắm vì sau đó lại phúc tra; không khéo lại thành sân sau cho tham nhũng. Đã trượt là để cho trượt, sang năm thi lại chứ không nên “phúc tra”. Đặc biệt là phải căn cứ vào kiểm tra thực tế, trực tiếplà chính, chứ không nên chỉ dựa vào bằng cấp.

ANH THƯ ghi 

>> 1.200 hồ thủy lợi cần sửa vì biến đổi khí hậu

Tin cùng chuyên mục