37 năm làm bố của trẻ em đường phố

37 năm làm bố của trẻ em đường phố

Đã 37 năm kể từ khi bắt đầu đưa trẻ em lang thang về sống với mình, ông Nguyễn Rân đã làm được một việc tưởng chừng chỉ có trong truyện cổ tích. Ông đã “biến” những đứa trẻ ăên xin, bới rác, bán vé số… thậm chí là những trẻ em phạm pháp thành những công dân có ích cho xã hội.

Năm 1968, chiến tranh ngày càng ác liệt, nhiều trẻ em mất cha, mất mẹ phải lang thang khắp nơi để kiếm sống. Một buổi tối trên đường đi làm về, ông Rân thấy có hai đứa trẻ ngày nào cũng nằm ngủ ở lề đường, quần áo rách rưới, trông rất tội. Cùng với sự hợp sức của mấy người bạn, ông thử đem về nuôi.

37 năm làm bố của trẻ em đường phố ảnh 1

Ông Rân và những “đứa con” đến từ đường phố…

Bao nhiêu tiền bạc dành dụm hơn 10 năm làm lụng, cùng với sự giúp sức của bạn bè, ông quyết tâm thực hiện mô hình “gia đình cho trẻ bụi đời”. Thế là một “gia đình” nuôi nấng trẻ em đường phố mang tên “Thảo Đàn” ra đời, ban đầu ở đường Hàm Nghi, sau đó dời về đường Nguyễn Hoàng.

Năm 1973, ông Rân trở lại Đà Nẵng và lập gia đình nhưng vẫn tiếp tục nuôi trẻ lang thang. Cho đến năm 1991 khi Hội hỗ trợ Tình nguyện Quốc tế và Hội Hòa bình Nhật Bản đến tìm hiểu, hỗ trợ tài chính và xin thành lập Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố (TTBTTEĐP) ở Đà Nẵng thì ông Nguyễn Rân được chính quyền tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lúc đó giao trách nhiệm phụ trách trung tâm này. Hiện nay ông Rân là Trưởng ban điều hành 5 gia đình nuôi trẻ em lang thang của TTBTTEĐP TP Đà Nẵng.

Ông Rân cho biết: “Phần lớn trẻ bỏ nhà ra đi là do tình trạng nghèo đói và sự tan vỡ của gia đình. Việc thuyết phục các em về với cộng đồng không phải là chuyện một sớm một chiều”. Những ngày đầu, ông Rân rất vất vả để đưa trẻ lang thang về với TTBTTEĐP.

Với tâm huyết phải làm cho cuộc sống của các em sáng sủa hơn nơi đầu đường, xó chợ, ông Rân lo từ tờ giấy khai sinh cho đến chứng minh thư, để các em được đi học, đi làm. Từ đó, nhiều trẻ em lang thang khắp nơi tìm về với bố Rân. Em Nguyễn Văn Thái tâm sự: “Cháu đã ăn cắp nhiều thứ khi sống lang thang. Cháu biết mình đã làm điều không tốt, phải dừng lại thôi”. Hiện nay Thái đang học nghề hàn ở một xưởng cơ khí của trung tâm. Còn em Lê Thị Lệ nay là một nữ sinh năm cuối Trường THPT Hoàng Hoa Thám- được chính tay bố Rân đưa về từ bến cảng Thuận Phước khi chỉ mới 6 tuổi.

Trong những ngày tháng cuối đời, ông Rân kỳ vọng các em luôn nhớ về nguồn cội, “có như vậy các em mới không đi chệnh hướng trong cuộc đời”. Đó là lý do vì sao mà tất cả trẻ em lang thang sống ở TTBTTEĐP TP Đà Nẵng luôn yêu mến và kính trọng ông. 

NGUYỄN VĂN THANH 

Tin cùng chuyên mục