4 xu hướng chính của ngành bán lẻ năm 2021

Năm 2020 vừa qua, dù ảnh hưởng dịch bệnh song thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực nhờ loạt chính sách hỗ trợ kích cầu từ trung ương đến địa phương và sự thay đổi, thích ứng nhanh chóng của doanh nghiệp với các xu hướng tiêu dùng mới.

Với tốc độ hồi phục này, các chuyên gia đánh giá năm 2021 mảng bán lẻ của Việt Nam có thể sớm phục hồi, trở lại mức trước dịch bệnh và nhiều xu hướng tăng trưởng. Cụ thể, theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, kỳ vọng tiêu dùng sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 8,5%-9% so với 2020. Việc bán lẻ tăng trong năm 2021 tăng nhờ vào niềm tin tiêu dùng hồi phục và vaccine cho đại dịch được phổ biến. 

Bên cạnh đó, từ sự phân hóa của ngành bán lẻ trong năm 2020, các chuyên gia cũng dự báo năm 2021 ngành này sẽ có 4 xu hướng chính: Các công ty bán lẻ lớn nắm bắt cơ hội để tăng trưởng thị phần; thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng sang các mặt hàng thiết yếu, mang lại thuận lợi cho các nhà bán lẻ hàng tạp hóa; Covid-19 thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến; các nhà phát triển bất động sản thương mại tận hưởng dòng chảy của các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam. 

Trong đó, xu hướng Covid-19 thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến. Theo Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế trực tuyến Việt Nam đang bùng nổ với doanh thu tăng trưởng 38% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2019 để đạt giá trị 12 tỷ USD, chiếm hơn 5% GDP cả nước, chủ yếu được thúc đẩy bởi phân khúc thương mại điện tử đang phát triển mạnh. Theo báo cáo thống kê của WeAreSocial, tại thời điểm tháng 1-2020, Việt Nam có hơn 68 triệu người sử dụng dịch vụ Internet, tương đương hơn 2/3 dân số và hơn 146 triệu kết nối mạng dữ liệu di động. Như vậy, kênh trực tuyến sẽ trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế bán lẻ.

Năm 2020, ngoài các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Vinmart & Vinmart+ nhanh chóng nắm bắt xu hướng online hóa qua việc thúc đẩy mô hình app bán hàng trên điện thoại thì nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng “lấn sân” qua hình thức này. Có thể kể tới Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cũng gia nhập mảng kinh doanh trực tuyến qua việc ra mắt website http://vissanmart.com.

Mặc dù hiện tại website này chỉ phục vụ giao hàng ở các quận huyện nội thành TPHCM (trừ huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh), song nếu tốc độ phát triển tốt, rất có thể doanh nghiệp sẽ mở rộng trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục