Tân Trào

60 năm ấy ai quên...

60 năm ấy ai quên...

60 năm, cả một đời người. Đã có bao sự kiện trọng đại của dân tộc cũng như của mỗi vùng quê trên cả nước diễn ra trong chừng đó thời gian. Nhưng, ký ức và dấu tích của những ngày tháng lịch sử cộng với niềm tự hào vẫn nguyên vẹn, luôn hiện hữu nơi đây – Tân Trào, “quê hương cách mạng”.

  • Gặp người tự vệ đỏ và cậu bé “không quần” năm xưa

Về xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) tôi được chỉ dẫn: muốn nghe chuyện Bác Hồ hồi năm 1945 ở Tân Trào thì phải vào gặp cụ Hoàng Trung Nguyên. Cụ Nguyên người dân tộc Tày, đã 87 tuổi và là nhân chứng duy nhất còn sống ở đây! Nhà cụ Nguyên là một ngôi nhà sàn đã cũ nhưng khá to và còn chắc chắn, nằm cách cây đa Tân Trào lịch sử chưa đến 100m. Cụ Nguyên gần như đã bị liệt 2 chân, nhưng đôi mắt còn sáng và giọng nói rất trong, rõ ràng.

60 năm ấy ai quên... ảnh 1

Cụ Hoàng Trung Nguyên (bên phải) với người con trai cả của mình, bác Hoàng Ngọc.

Cụ Nguyên chính là một trong những tự vệ đỏ của bản Tân Trào đã đón Bác Hồ về đây ngày 21-5-1945, cũng như cảnh giới, bảo vệ cho Bác và các cán bộ cách mạng làm việc suốt từ đó đến cuối tháng 8-1945. Cụ cũng là chiến sĩ tự vệ đỏ duy nhất ngày đó còn sống ở Tân Trào này.

Theo cụ, trong suốt thời gian Bác Hồ ở trong bản cũng như khi lên lán Nà Lừa (cách bản khoảng 500m), mặc dù tiếp xúc nhiều, nhưng người dân cả bản chỉ biết đó là một cán bộ Việt Minh quan trọng và thường gọi là “cán bộ già” - ông Ké (tiếng Tày: ông già).

“Phải đến đầu năm 1946, khi rước ảnh cụ Hồ Chí Minh về bản, mọi người đều sửng sốt kêu lên: đây đúng là “cán bộ già” rồi! Thì ra, cụ Hồ Chí Minh chính là “ông Ké” ở trong làng mình trước đây... Đến lúc đó, tôi cũng như người dân ở Tân Trào mới biết rõ về người “cán bộ già” từng rất gần gũi với mọi người chính là cụ Hồ Chí Minh, là Bác Hồ!...” – Cụ Nguyên kể.

Người con trai cả của cụ Nguyên, bác Hoàng Ngọc (năm nay 69 tuổi) chính là 1 trong 4 thiếu niên cùng đại diện các thành phần khác trong bản Tân Trào đem gạo, trứng, mấy con gà và dắt theo một con bò đến “làm quà” cho Quốc dân Đại hội chiều ngày 17-8-1945.

“3 người kia đều đã mất rồi, còn mỗi mình tôi. Ngày đó, không đủ quần áo mặc, trẻ con như tôi thường chỉ có áo hoặc quần và đều rách cả...” – bác Ngọc tâm sự. Chính vì hình ảnh 4 cháu nhỏ ăn mặc thiếu thốn này mà về sau có người gọi đó là những cậu bé “không quần” tại Quốc dân Đại hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xoa đầu mấy cậu bé và nói với toàn thể đại biểu dự Quốc dân Đại hội rằng: “...Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Là để giải phóng dân tộc, làm cho nhân dân ấm no hạnh phúc, để cho các cháu bé con em chúng ta như những cháu bé này được ăn no, mặc ấm và đi học...”.

Theo lời bác Ngọc, hồi năm 1945, cả bản Tân Trào này chỉ có 22 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Tày. Làng xóm nghèo lắm, đường sá đi lại khó khăn, luôn lo cái ăn, cái mặc... “Giờ đường nhựa đã vào tận đầu bản, ai cũng có ruộng, vườn, nhà cửa khang trang. Hầu như nhà nào cũng có xe máy, có nhà còn có 2 chiếc.

Xe đạp chỉ còn dùng đi làm ruộng... Hồi trước, nằm mơ cũng không thấy được những chuyện như bây giờ. Nhờ Bác Hồ, nhờ cách mạng thì mới có được như hôm nay, nếu không thì đời bố tôi, đời tôi và con cháu còn khổ mãi...” – bác Ngọc nói.

  • Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa

60 năm ấy ai quên... ảnh 2

Một góc bản Tân Lập hôm nay.

Đó là một trong những câu thơ mà Tố Hữu đã viết trong bài “Việt Bắc” nổi tiếng, khi nói về Tân Trào. Tên xa xưa của vùng đất này là Kim Long (có thời gọi là Kim Lộng). Khi Bác Hồ về đây làm việc, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, nơi này được gọi là Tân Trào, với ý nghĩa là nơi bắt đầu của phòng trào cách mạng. Sau khi cách mạng thành công, xã Tân Trào hợp nhất với xã Hồng Thái (tên cũ là Kim Trận) với tên chung Tân Trào, còn thôn Tân Trào được đặt tên mới thành Tân Lập.

Chính tại đây, những quyết sách quan trọng nhất để đi đến sự thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã được Đảng và Bác Hồ quyết định. Khu vực lán Nà Lừa, ngoài nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời điểm đó, từ ngày 13 đến 15-8-1945, là nơi đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng để đi đến quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên cả nước.

Cũng trong chiếc lán nhỏ đơn sơ này, khi bệnh nặng, tưởng không qua khỏi, Bác Hồ đã dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng cương quyết dành cho được độc lập”.

60 năm ấy ai quên... ảnh 3

Lán Nà Lừa, nơi Bác Hồ sống và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8-1945.

Dưới bóng cây đa Tân Trào, chiều 16-8-1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tuyên thệ và tiến về giải phóng Thái Nguyên, rồi hướng về Hà Nội. Tại đình Tân Trào, trong 2 ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân đại hội đã làm việc khẩn trương để thống nhất lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (được xem là Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc ca, Quốc kỳ...

Khó mà có thể hình dung hết không khí cách mạng hừng hực những ngày tháng đó trên mảnh đất này. Từ thôn nhỏ với 22 nóc nhà này, lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi mọi miền Tổ quốc. Cả nước đứng lên, Cách mạng Tháng Tám thành công... Tân Trào thành “quê hương cách mạng” từ đó!

60 năm qua, người và đất Tân Trào vẫn vậy, vẫn hừng hực khí thế cách mạng và đang trăn trở với những bước đi lên sắp tới. Đã qua 60 năm rồi, ai nhớ, ai quên?  

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục