Đà Nẵng

70% học sinh đi học lại

70% học sinh đi học lại

Chiều ngày 4-10, ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết: 100% trường học trên địa bàn thành phố bao gồm 111 trường mầm non, 168 trường phổ thông từ tiểu học đến THCS và 10 đơn vị trực thuộc của Đà Nẵng bị thiệt hại nặng nề sau bão số 6.

Ước tính tổng thiệt hại của toàn ngành giáo dục là 93 tỷ đồng. Vì mức độ hư hại của mỗi trường khác nhau nên ngành giáo dục đã chủ trương giao cho hiệu trưởng nhà trường tùy vào tiến độ khắc phục để quyết định ngày đi học lại của học sinh.

Tuy nhiên, chậm nhất là đầu tuần tới, toàn bộ các trường phải đảm bảo an toàn và vệ sinh để đưa việc học đi vào nề nếp.

70% học sinh đi học lại ảnh 1

Người dân tranh nhau mua tôn tại một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ (Đà Nẵng) chiều 4-10. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Để kịp tiến độ chương trình, trong điều kiện không đủ phòng học, trước mắt, các trường đều huy động phòng chức năng, phòng bộ môn, thư viện để làm phòng học; thậm chí có thể phải học 3 ca và học vào ngày chủ nhật.

Tính đến chiều ngày 4-10, có trên 70% các trường trên địa bàn đã cơ bản tổ chức dạy và học trở lại. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng yêu cầu hiệu trưởng các trường phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh.

Ngoài ra, khoảng 70.000 sinh viên thuộc ĐH Đà Nẵng còn phải nghỉ học ít nhất 5-7 ngày để chờ sửa sang trường lớp. Hiện 6 cơ sở của ĐH này đều bị tốc mái tôn, 100% cửa kính vỡ và nước tràn vào phòng học. Ký túc xá các trường cũng bị tốc mái, sinh viên ở tầng trên cùng phải dọn xuống ở cùng các bạn tầng dưới.

Tổng thiệt hại về cơ sở vật chất sơ bộ khoảng 40 tỷ đồng.

* Tại các cửa hàng bán tôn lợp, đinh vít trên đường Điện Biên Phủ (Đà Nẵng) trong ngày 4-10, cảnh chen lấn, chờ chực để mua vật liệu về sửa chữa nhà sau bão còn khốc liệt hơn.

Anh Lê Văn Bồng – nhà ở Thanh Khê (Đà Nẵng), cho biết: chờ chực đã 2 ngày rồi mà chỉ mua được 5 tấm tôn, trong khi mái nhà đã bay hết, muốn lợp lại phải cần đến 10 tấm. Giá cả thì khỏi phải nói. Tăng kinh khủng quá, hơn 100 nghìn đồng một mét tôn, 1.000 đồng một cây đinh đóng tôn, ai mà chịu nỗi”.

Giá cả tăng chóng mặt như thế nhưng cung vẫn không đủ cầu. Anh Lộc – nhà ở tận huyện Điện Bàn, Quảng Nam cũng đã lặn lội ra đây từ đầu giờ sáng nhưng đến chiều vẫn chưa mua được tấm tôn nào.

Anh than thở: “Ở trong đó đã khan hiếm, giá cả tăng kinh quá, nên bắt xe ra đây hy vọng mua được với giá rẻ hơn, nhưng đâu ngờ ở đây cũng chẳng khác gì trong quê tôi. Đã lỡ ra rồi thì đành ngồi chờ đến sáng mai chắc sẽ mua được”.

Chiều ngày 4-10, trao đổi với Báo SGGP, bà Lê Thị Hường – GĐ Sở Tài chính Đà Nẵng, cho biết: giá cả hầu hết các mặt hàng từ sau bão đến nay tăng đột biến là có thật, đặc biệt là mặt hàng vật tư xây dựng.

Đối với vấn đề này, Sở Tài chính đã phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường lập đoàn kiểm tra từ ngày 3-10. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra đã gặp rất nhiều khó khăn vì không thể kiểm soát được, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm.

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố, nếu phát hiện trường hợp nào lợi dụng thiên tai địch họa, đầu cơ tích trữ và nâng giá quá cao, chúng tôi sẽ xử lý thật nặng. Ngoài ra, Sở Tài chính cũng đã đề xuất với UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, các chợ nhằm xử lý nghiêm những trường hợp nâng giá quá cao. 

NHÓM PV

Thông tin liên quan

Tin cùng chuyên mục