
Theo tin từ Văn phòng Chủ tịch nước, sáng nay 27-9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến hiện trường tai nạn cầu Cần Thơ. Chủ tịch nước sẽ làm việc với các cơ quan, đơn vị hữu quan để có biện pháp khắc phục hậu quả sớm nhất và tạo điều kiện, hỗ trợ chăm lo cho thân nhân những công nhân không may bị chết hoặc bị thương.
Công tác cứu hộ gặp khó khăn

Hiện trường đổ nát.
Sáng 26-9, cả TP Cần Thơ gần như hoảng loạn vì sự kiện nhịp dẫn cầu Cần Thơ đang xây dựng bị sập - khối lượng phần bị sập nặng 1.500- 2.000 tấn. Khu vực bị tai nạn nằm trong dự án cầu chính do 2 nhà thầu phụ thi công là công ty Vĩnh Thịnh và VSL (nhà thầu chính là liên danh Taisei- Kajima- Nippon Steel của Nhật Bản). Theo nhà thầu, có 37 công nhân đã tử nạn, 87 người bị thương, vẫn còn một số bị vùi trong đống đổ nát.
Về nguyên nhân xảy ra tai nạn, đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị chức năng nào phát ngôn chính thức, dù ông Hứa Thanh Tuấn, đại diện Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, và các nhà thầu cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sập cầu là yếu tố… kỹ thuật.
Trùng dịp công tác tại ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức có mặt tại hiện trường khá sớm để chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (cách nay 2 ngày, ông vừa chủ trì buổi họp sơ kết… đánh giá tiến độ cầu Cần Thơ). Bộ GTVT đã thành lập ngay Ban chỉ đạo khắc phục sự cố, huy động các lực lượng tham gia vào công tác này. Theo quan sát của chúng tôi, công tác cứu nạn, cứu hộ diễn ra khá chậm chạp do chỉ có 2 cần cẩu hoạt động. Phía nhà thầu vẫn chưa có biện pháp cứu hộ nạn nhân hữu hiệu.
Huy động tổng lực cấp cứu nạn nhân

Khẩn trương cấp cứu nạn nhân.
Từ 8 giờ sáng, hầu hết cán bộ, y bác sĩ của các bệnh viện ở Cần Thơ như: Đa khoa Trung ương Cần Thơ, 121 (Quân khu 9), Đa khoa Cần Thơ, Tây Đô… đã sẵn sàng cứu chữa người bị thương. Tất cả phòng cấp cứu ở bệnh viện ở Cần Thơ đều chật kín người. Xe cứu thương chạy như con thoi, rú còi inh ỏi suốt cả buổi sáng. Dù tai nạn xảy ra ở bờ Vĩnh Long, nhưng do cách xa thị xã Vĩnh Long hơn TP Cần Thơ…, nên hầu hết nạn nhân được đưa về Cần Thơ cấp cứu, thông qua đường sông- nhiều người vừa được đưa lên bờ, tại bến tàu Ninh Kiều, đã tử vong. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhận dạng xác nạn nhân- vốn bị biến dạng nhiều. Những nạn nhân chưa có thân nhân sẽ được Bệnh viện 121 bảo quản, dù sẽ gặp khó khăn do số phòng lạnh không nhiều. Phần lớn nạn nhân đều ở Bình Minh, Vĩnh Long; một số ở miền Trung và miền Bắc chưa có thân nhân tới tìm. Bác sĩ Lê Văn Đạt, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: Khi hay tin, chúng tôi nhanh chóng di tản các bệnh nhân nhẹ tại khoa cấp cứu để tiếp nhận các nạn nhân. Thuốc, máu và phương tiện được huy động tối đa. Lực lượng y bác sĩ được huy động toàn bộ, kể cả 10 y, bác sĩ đang đi học cũng được huy động về ứng cứu. BS Đặng Quang Tâm, Giám đốc BV Đa khoa TƯ Cần Thơ, cho biết đã xuất toàn bộ kho thuốc dự trữ để cấp cứu nạn nhân. Nỗi lo thiếu máu đã qua đi do từ sáng 26-9, Thành đoàn TP Cần Thơ đã huy động hơn 1.000 sinh viên của ĐH Cần Thơ, ĐH Y dược Cần Thơ, Cao đẳng Cần Thơ và nhân viên Dược Hậu Giang, Ngân hàng Đông Á chi nhánh Cần Thơ tham gia hiến trên 700 đơn vị máu.

Cứu hộ người bị kẹt trong đống đổ nát. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã thành lập Tổ công tác trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả thảm họa sập cầu Cần Thơ do Thứ trưởng Trần Chí Liêm, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn của bộ, trực tiếp chỉ đạo. Chiều cùng ngày, Tổ công tác đã vào Cần Thơ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để phục vụ công tác cứu hộ và điều trị chăm sóc nạn nhân, cố gắng giảm đến mức thấp nhất số người tử vong và đảm bảo chăm sóc y tế kịp thời mọi nạn nhân.
Sau khi có thông báo của Sở Y tế TPHCM, 4 xe cứu thương lưu động (Bình Dân, Nhân dân 115, Chấn thương chỉnh hình, Cấp cứu Trưng Vương), với đầy đủ trang thiết bị cấp cứu và thuốc men cùng 26 cán bộ y bác sĩ, đã về Cần Thơ cấp cứu nạn nhân ngay chiều cùng ngày. Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM đã sẵn sàng tiếp ứng 500- 700 đơn vị máu. BV Pháp- Việt cũng đã cử 1 xe chuyên dùng và 10 y bác sĩ hỗ trợ. Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhanh chóng lập 3 tổ cấp cứu gồm 29 y bác sĩ cùng 4 xe cứu thương trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu cơ động và thuốc men, do Giám đốc Trương Văn Việt làm trưởng đoàn, đã đến ngay hiện trường. Chiều cùng ngày, lực lượng cấp cứu đã chuyển một nạn nhân về điều trị tại Chợ Rẫy, là anh Nguyễn Văn Dũng E. (38 tuổi, đang bị gãy đốt sống thắt lưng, gãy khung chậu và liệt 2 chân).
Chiều qua, tại BV Đa khoa TƯ Cần Thơ, ông Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Cần Thơ, đã chủ trì buổi họp với các bệnh viện để chỉ đạo cứu nạn, cứu thương, giúp đỡ thân nhân người bị nạn. Ông Phạm Thanh Vận cho biết: Thành ủy, UBND TP Cần Thơ đã huy động toàn bộ lực lượng quân đội, công an, y tế và các ngành tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn. Địa phương sẽ xuất ngân sách hỗ trợ gia đình có nạn nhân bị chết 2 triệu đồng/người; Dược Hậu Giang hỗ trợ thêm mỗi gia đình 5 triệu đồng. Bằng mọi cách phải tìm kiếm, cứu người bị nạn trong đống đổ nát.

Lúc 20 giờ tối qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại hiện trường và biểu dương Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quân khu 9, lãnh đạo TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long đã kịp thời huy động lực lượng cứu hộ. Phó Thủ tướng chỉ đạo: Không để nạn nhân thiếu thuốc, thiếu máu. Đối với nạn nhân ở trong đống đổ nát, phải xem họ còn sống. Công tác cứu hộ phức tạp, đòi hỏi chuyên môn rất cao, phải hết sức thận trọng; không để xảy ra sơ suất. 55 người cứu hộ sẽ tiếp tục làm suốt đêm; còn nước còn tát. Đây là một sự cố hết sức nghiêm trọng.
Đến 21 giờ 20, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm những công nhân bị thương nặng đang điều trị tại Bệnh viện 121. Phó Thủ tướng đã hiến máu và chia sẻ sâu sắc với nghĩa cử cao đẹp của người dân Cần Thơ, Vĩnh Long trong cứu hộ và hiến máu nhân đạo.
Công trình có bị “rút ruột”?
Một số công nhân cho biết, cầu Cần Thơ mới đổ bê tông được 2-3 ngày nhưng sau đó giàn giáo đã được di chuyển để đúc bê tông các nhịp tiếp theo. Đây có thể là một nguyên nhân của vụ tai nạn. Về vấn đề này, một lãnh đạo Bộ GTVT vừa cho biết: “Bản thân bê tông phải đủ một độ tuổi nhất định để đạt một độ liên kết nhất định thì mới được di chuyển giàn giáo. Nếu cho phụ gia vào bê tông để di chuyển giàn giáo sớm, thì cũng phải trên 3 ngày trở lên mới di chuyển được”. K.Q. |
Chiều tối qua, trao đổi với PV Báo SGGP, Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, cho biết, ngay khi xảy ra vụ việc, một trung đoàn cảnh sát đã được huy động đến hiện trường, cùng các lực lượng khác tham gia cứu nạn. Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ cho biết, ngoài lực lượng công an tại chỗ, Cơ quan điều tra cũng đã chỉ đạo Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14) và Cục CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (C15) đến hiện trường để bảo vệ an ninh trật tự khu vực xảy ra tai nạn và điều tra nguyên nhân. Thiệt hại đã rõ ràng và đặc biệt lớn, nhưng chúng tôi sẽ làm rõ vụ tai nạn này có phải do rút ruột công trình, tham nhũng, thiếu trách nhiệm hay cố ý làm trái hay không để xử lý trách nhiệm... Hôm qua, các cán bộ Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an từ Hà Nội và TPHCM đã về Cần Thơ để phối hợp khám nghiệm hiện trường.
Trước đó, hai Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an là Trung tướng Phạm Nam Tào (phụ trách phía Nam) và Thiếu tướng Nguyễn Hòa Bình (phụ trách lực lượng CSĐT chống tham nhũng) cũng đến hiện trường chỉ huy cứu nạn và điều tra nguyên nhân vụ việc.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, nên Công an tỉnh Vĩnh Long phải chủ trì phối hợp với các cục nghiệp vụ của TCCS tổ chức bảo vệ hiện trường, tập trung cứu nạn, cứu hộ; khám nghiệm thu dấu vết, vật chứng, mẫu vật để phục vụ công tác điều tra.
NHÓM PV VPĐD CẦN THƠ
Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ, cách bến phà Cần Thơ hiện hữu khoảng 3,2km về phía hạ lưu, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2008. Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85km, trong đó phần cầu chính (gồm cầu treo dây văng và các cầu dẫn hai bên) có chiều dài 2,75km, rộng 23,1 m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn bộ hành. Phần đường dẫn 2 đầu cầu dài 12,63 km. Phần cầu treo dây văng gồm 7 nhịp liên tục với tổng chiều dài là 1,09 km. Dự án cầu Cần Thơ sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, với tổng mức đầu tư khoảng 4.832 tỷ đồng. TH. NAM |
Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC KIÊN: NGUYÊN QUÂN ghi |
************
Người phát ngôn của Bộ GTVT Nguyễn Văn Công: HÀM YÊN Ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) MAI TRUNG ghi |
Thông tin liên quan:
- Ghi nhanh
Dằng dặc nỗi đau thương
- Sập cầu Cần Thơ đang xây, hơn 200 người chết và bị thương
- Chiều tang thương ở Bệnh viện 121
- Sập cầu Cần Thơ, khoảng 250 công nhân bị nạn