85,8% doanh nghiệp hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do

Ngày 25-11, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp đánh giá hiệu quả của việc tận dụng lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định, FTA đã tạo thị trường xuất khẩu tiềm năng rất lớn cho doanh nghiệp Việt.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại Đa Biên, Bộ Công thương cho biết, tùy vào mỗi thị trường khác nhau mà tỷ trọng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu có tận dụng được thuế suất ưu đãi từ FTA cũng rất khác nhau.

Đơn cử, đối với Hiệp định CPTPP, trong giai đoạn 2020 - 2021, xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 18,1% so với năm 2020. Trong khi đó, Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2021 vẫn tăng 14,5% so với năm 2020. Riêng trong năm 2022, dự kiến kim mức tăng trưởng sẽ tiếp tục cao hơn so với năm 2021. 

85,8% doanh nghiệp hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do ảnh 1 Nhiều doanh nghiệp chia sẻ giải pháp tận dụng lợi thế từ FTA để gia tăng xuất khẩu
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, có khoảng 85,8% doanh nghiệp thuộc nhóm chịu tác động từ các FTA cho rằng hội nhập FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ (con số này năm 2016 chỉ là 46,8%).
Như vậy, nhận thức của doanh nghiệp về tác động tích cực của tiến trình hội nhập FTA đang ngày càng được cải thiện. Mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp về các FTA cũng tăng lên khi có 26,1% các doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ về các FTA (con số này tăng lên từ mức 12,6% năm 2016). Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm cũng như tạo cơ sở để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA này.
Tuy vậy, mức độ hiểu biết này vẫn còn hạn chế và phân hóa giữa các loại hình doanh nghiệp. Theo đó, mức độ hiểu biết về FTA giảm dần từ các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế về nguồn lực và năng lực).

Ở chiều ngược lại, có đến 46,4% doanh nghiệp gặp khó khăn do năng lực cạnh tranh còn hạn chế mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã biết cách tận dụng các FTA tốt hơn nhưng so với 5-7 năm trước (con số này năm 2016 là 78,3%). Hạn chế này có thể nằm ở nhiều yếu tố khác nhau như nguồn vốn và công nghệ dẫn tới hạn chế khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn tại các thị trường FTA khó tính, việc thiếu định vị thương hiệu tại thị trường các FTA này...

Được biết, hiện nay đã có 15 Hiệp định FTA được Việt Nam ký kết với các đối tác. Trong đó, có 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại Việt Nam - Anh (UKVFTA) là những hiệp định rất quan trọng.

Đây là các FTA mang lại nhiều kết quả đàm phán có lợi cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường các nước Đông Á.

Do vậy, về phía các doanh nghiệp cần sớm định hình chiến lược xuất khẩu tổng thể và đi vào phân tích phương pháp tiếp cận và xâm nhập thị trường là đối tác FTA của Việt Nam đối với từng nhóm mặt hàng, từng thị trường cụ thể, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về SPS, TBT, phát triển bền vững và phải định vị thương hiệu trên thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kiến nghị về phía Chính phủ, Bộ Công Thương, cần tăng cường kết nối doanh nghiệp với đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài để gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường và giảm rủi ro cho hoạt động xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục