Sau vụ bà Phạm Thị Hoa Quốc Hương (Phú Nhuận, TPHCM) bị cấm xuất cảnh với lý do còn nợ hơn chục triệu đồng tiền thuế, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) hoang mang. Không chỉ riêng trường hợp bà Hương, trước đây cũng có DN bị hoãn xuất cảnh vì nợ chỉ 900.000 đồng; có DN bị cấm phải ra tòa và thắng kiện… Vậy, khi nào DN nợ thuế mới bị cấm xuất cảnh?
Chỉ cấm xuất cảnh để định cư
Rõ ràng, qua trường hợp bà Hương, cơ quan thuế hơi “đuối lý” khi yêu cầu dừng xuất cảnh đối với bà vì lý do “có dấu hiệu bỏ trốn”. Với số tiền để cơ quan thuế ra lệnh dừng xuất cảnh vì DN nợ chỉ hơn 11 triệu đồng và cho rằng DN bỏ trốn thì rõ ràng quyết định kia hơi máy móc. Đã vậy, khi bà Hương chứng minh đã nộp xong số tiền thuế nợ thì cơ quan thuế lại ráng nại thêm lý do bà nộp sót 528.000 đồng để biện minh cho quyết định cấm xuất cảnh, nghe còn nực cười hơn.
Vụ việc trên đã gây xôn xao trong giới DN. Bởi nếu đặt vào trường hợp DN được đối tác mời tham quan, khảo sát thị trường nhưng đến sân bay nhận được thông báo hoãn xuất cảnh vì nợ vài trăm ngàn đồng thuế, không những sẽ lỡ việc mà còn muối mặt với đối tác.
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, không phải cứ nợ thuế là cấm xuất cảnh vì Luật Quản lý thuế quy định rõ tại Điều 53 về trường hợp xuất cảnh phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là: “Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế”. Như vậy, đối với DN Việt Nam nợ thuế cũng chỉ bị dừng xuất cảnh khi xuất cảnh để định cư ở nước ngoài.
Có nợ là có “dấu hiệu”?!
Luật đã rõ, nhưng lâu nay ngành thuế cứ hễ nợ thuế là ra thông báo dừng xuất cảnh đối với DN. Căn cứ là theo Điều 29 Nghị định 85/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế hướng dẫn: “Cơ quan quản lý thuế thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh dừng việc xuất cảnh khi người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế trong các trường hợp sau: Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hết thời hạn làm việc tại Việt Nam hoặc kết thúc hoạt động cung cấp dịch vụ, hành nghề độc lập tại Việt Nam; Cá nhân có dấu hiệu bỏ trốn khỏi Việt Nam mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế”.
Thế là, cụm từ “có dấu hiệu bỏ trốn” được ngành thuế vận dụng triệt để đối với DN nợ thuế như một công cụ đòi nợ. Chính trong văn bản 1850 ngày 18-5-2009, Tổng cục Thuế cũng quy định cơ quan thuế có quyền yêu cầu dừng xuất cảnh với cá nhân có dấu hiệu bỏ trốn khỏi Việt Nam mà chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Từ văn bản này, ngành thuế vận dụng triệt để để quy chụp tất cả DN nợ thuế mà xuất cảnh được coi là “có dấu hiệu” bỏ trốn, cần phải hoãn xuất cảnh!
Khi nhận được thông báo của cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm dừng việc xuất cảnh là đương nhiên. Thế nhưng, nhiều DN cũng bức xúc, cần phải xác định thế nào là “có dấu hiệu bỏ trốn” để áp dụng cho đúng, chứ nếu DN nợ thuế mà tài sản DN còn, chủ DN không xuất cảnh để định cư mà chỉ xuất cảnh ngắn ngày, đi tham quan khảo sát thị trường… lại bị cho là bỏ trốn thì “ép” DN quá đáng! Còn theo các luật sư, vấn đề đặt ra là Thông báo 1850 của Tổng cục Thuế không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không có giá trị trước tòa.
Đó là lý do mới đây Công ty CP Delta đã khởi kiện ra TAND TPHCM yêu cầu tòa hủy công văn của Cục Thuế đề nghị dừng xuất cảnh đối với tổng giám đốc công ty. Và Delta đã thắng kiện. Tuy nhiên, cách áp dụng pháp luật này của ngành thuế hiện đang đe dọa nhiều DN khác.
| |
HÀN NI