
Để giúp công nhân xa quê có một cái tết ấm áp, đủ đầy, các cấp công đoàn trên địa bàn TPHCM đã có nhiều cách làm sáng tạo để từng phần quà, từng cái bánh chưng, bao lì xì được đưa đến tận tay người lao động tại các phòng trọ. Chính tấm lòng của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể đã giúp mùa xuân xa của công nhân lao động thêm thắm đượm tình người.
Mua hàng tết với giá 0 đồng
Cầm trên tay phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng, chị Trần Thanh Hồng, công nhân may tại quận 12 (TPHCM) bước vào gian hàng bán quần áo trẻ em tại phiên chợ 0 đồng do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức tại Công viên làng hoa Gò Vấp. Sau một lúc lựa chọn, chị mua 2 cái đầm theo chị thấy là xinh nhất. Số tiền còn thừa trên phiếu, chị ghé vào một cửa hàng quần áo nam, chọn mua một cái áo sơ mi và bù thêm vào 30.000 đồng. Hai cái đầm chị mua cho con gái, còn áo sơ mi chị mua cho chồng. Năm nay gia đình chị Hồng ở lại TPHCM ăn tết. “Tình hình chung khó khăn nên chúng em chỉ đủ tiền gửi về quê biếu ba mẹ ăn tết. Em tính rồi, mùng 1 cả nhà sẽ đi chùa. Các ngày còn lại em và con sẽ theo phụ chồng đi bán dừa dạo kiếm thêm ít tiền. Sự chăm lo của tổ chức công đoàn giúp tôi thêm ấm lòng khi tết đến”, chị Hồng chia sẻ. Ngoài được tặng phiếu mua hàng, chị Hồng cũng được nhận phần quà gồm các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngày tết.
Chị Hồng là một trong hơn 20.000 lượt công nhân lao động khó khăn, không có điều kiện về quê đón tết được nhận phiếu mua hàng tết tại các phiên chợ nghĩa tình, phiên chợ 0 đồng do LĐLĐ TPHCM tổ chức. Đây là hoạt động được LĐLĐ TPHCM thực hiện nhằm chia sẻ khó khăn cùng công nhân xa quê, giúp họ được đủ đầy hơn trong những ngày tết đến. Phiên chợ có hầu hết các mặt hàng thiết yếu cho gia đình sử dụng trong những ngày tết đến. Với nhiều công nhân, phiên chợ chính là điểm tựa giúp họ có thêm nhu yếu phẩm trong 3 ngày tết xa quê.
Để những ngày cuối năm của người lao động thêm ấm áp, Hội Chữ thập đỏ TPHCM tổ chức chương trình “Mâm cơm ngày tết” và phiên chợ nghĩa tình tại TP Thủ Đức. Dịp này, người lao động, công nhân khó khăn đã cùng ngồi bên nhau ăn bữa cơm tất niên, được nhận lì xì và chọn mua những món hàng thiết yếu cho gia đình mình ngày tết với giá 0 đồng. Ngoài ra, Hội cũng tổ chức ngày hội “Nghĩa tình mùa xuân” để gói bánh chưng, bánh tét tặng người lao động khó khăn.
Uyển chuyển trong chăm lo
Mới 7 giờ sáng, khu xóm trọ của bà Phan Tuyết Anh (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) đã nhộn nhịp. Từng nhóm các chị phụ nữ chia nhau gói các đòn bánh tét. Ai cũng tuân thủ việc đeo khẩu trang trong suốt quá trình gói bánh. Ở một góc sân, bếp đã được nhóm lên để nấu những đòn bánh đầu tiên. “Ban đầu, chúng tôi dự kiến tổ chức ngày hội gói bánh tét tập trung, nhưng do tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nên chúng tôi chia nhỏ đưa về các khu nhà trọ để tiếp tục gói bánh. Đây là những phần bánh dùng để tặng công nhân không có điều kiện về quê đón tết”, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân chia sẻ. Ngoài ra, trong đêm giao thừa, tổ chức công đoàn sẽ đến các khu nhà trọ để chúc tết công nhân lao động.

Còn tại nhà trọ bà Lê Thị Thanh Hoa (phường Linh Xuân, TP Thủ Đức), để phòng chống dịch Covid-19, thay vì tổ chức tiệc tất niên cho công nhân nhà trọ như mọi năm, bà Hoa chọn cách gọi vài công nhân lên cùng gói bánh chưng, bánh tét rồi mang tặng từng phòng. Bà cũng đặt mua những phần quà tết thiết thực để tặng công nhân. “Năm nay hầu hết công nhân trong khu trọ của tôi ở lại. Dịch bệnh khiến thu nhập của tụi nhỏ giảm sút. Tôi chỉ có thể hỗ trợ bằng cách giảm 50% tiền thuê, tết thì tặng mỗi phòng thêm ít quà, lì xì tụi nhỏ lấy lộc”, bà Hoa cũng định đêm 30 tết sẽ xuống phòng trọ chúc tết công nhân để mọi người không thấy thiếu tình thân khi tết đến.
Nhằm giúp nữ công nhân không có điều kiện về quê dịp tết thêm ấm lòng, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã tổ chức nhiều chương trình “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình” tại các khu nhà trọ. Đây là dịp để các hội viên phụ nữ thăm hỏi cuộc sống, động viên nữ công nhân xa quê, cũng như tặng những phần quà tết (gồm quà và tiền) để nữ công nhân không thấy bơ vơ khi đón mùa xuân xa xứ.