Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn:

"Âm nhạc đã vực tôi sống dậy..."

"Âm nhạc đã vực tôi sống dậy..."

Từ trước Tết, trong làng nhạc, người ta đã đồn rằng Trần Mạnh Tuấn mắc bệnh nặng, chỉ còn sống thêm được vài tháng. Vậy chuyện này thực hư ra sao?

Bất ngờ lớn nhất trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn, khu du lịch Bình Quới vừa qua, là sự xuất hiện đột ngột của Trần Mạnh Tuấn.

"Âm nhạc đã vực tôi sống dậy..." ảnh 1

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn

Khi hai bản nhạc Vết lăn trầm và Ca dao mẹ do nghệ sĩ saxophone số một Việt Nam thổi vang lên, khán giả như lặng đi. Đó là vì sự mê hoặc của nhạc Trịnh và một phần vì rất nhiều người yêu mến Trần Mạnh Tuấn không thể tin được rằng anh đã trở về khỏe mạnh, sau một cơn bệnh tưởng chừng như không thể qua khỏi.

Trong làng nhạc từ trước Tết, người ta đồn Trần Mạnh Tuấn bệnh nặng, chỉ còn sống được thêm vài tháng là may! Thậm chí, nhiều khách quen của Club Sax and Art, nơi anh biểu diễn thường xuyên thấy vắng bóng Mạnh Tuấn cũng đã tin rằng, anh đang "lâm nguy". Có một phần sự thật trong những lời đồn đại ấy.

Cách đây 8 tháng, khi đang biểu diễn ở châu Âu, Trần Mạnh Tuấn phát hiện thấy thận của mình có vấn đề. Sau chuyến lưu diễn anh tức tốc nhập viện. Các bác sĩ hàng đầu bệnh viện Chợ Rẫy lập tức bắt tay vào việc tìm các biện pháp điều trị tốt nhất dành cho bệnh nhân này.

Anh kể: "Suốt ba tháng đầu tiên, đều đặn mỗi tuần ba ngày, tôi phải vào viện để chạy thận. Mệt mỏi thể xác không bằng nỗi lo lắng, bất an tinh thần".

Trong khoa điều trị của tôi, có hàng trăm bệnh nhân. Nhìn những người đồng cảnh ngộ, tôi mới thấm thía cái vòng đời sinh, lão, bệnh, tử ngắn ngủi của một kiếp người. Chính những khi tâm trạng u ám, âm nhạc đã vực tôi dậy.

Ở nhà hay lúc vào bệnh viện, tôi thường mang theo cây kèn để thổi. Ngồi im 4-5 tiếng đồng hồ khi lọc máu, tôi vẫn nghe nhạc. Âm nhạc làm cho tôi và những người chung quanh lạc quan hơn. Thậm chí, rất nhiều người nhìn tôi, không thể đoán ra tôi là một bệnh nhân...".

Thời điểm ấy, tự nhủ cuộc sống chẳng còn bao lâu, Trần Mạnh Tuấn đã lao vào ghi âm. Anh trút hết nỗi lòng và tâm sự vào những bản nhạc tiền chiến và nhạc dân gian. Đắm mình trong công việc khiến anh quên đi nỗi sợ hãi bệnh tật. Anh tìm thấy sự bình yên khi miệt mài trong phòng thu, chỉnh sửa chi tiết từng nốt nhạc, từng đoạn hòa âm.

Những âm thanh mê hoặc cất lên từ cây kèn saxo từng nối kết nhiều tâm hồn với Trần Mạnh Tuấn. Cũng chính nhờ tiếng kèn, anh tìm được cơ hội may mắn để điều trị bệnh.

Những người bạn của anh, ông lãnh sự Mỹ tại TP. HCM và một vị giám đốc đại diện của tổ chức Fullbright, đã vận động tìm nguồn kinh phí, tạo điều kiện cho anh có cơ hội điều trị tại Mỹ.

Để thực hiện ca cấy ghép thận, chi phí lên tới 250.000 USD. Con số quá lớn với khả năng tài chính một nghệ sĩ như anh.

Trần Mạnh Tuấn hết sức băn khoăn. Anh thầm mong các bác sĩ trong nước có thể thực hiện ca phẫu thuật cho mình.

Tuy nhiên, bệnh tình của anh ngày một thêm nặng. Bác sĩ trực tiếp điều trị cho anh, tiến sĩ Trần Ngọc Sinh, cũng khuyên anh tìm cơ hội sang Mỹ, bởi lẽ nền y học Mỹ đã có 30 năm thâm niên về kỹ thuật ghép thận. Bên cạnh đó, khâu kỹ thuật hậu phẫu cũng tối tân.

Biết tin tức về bệnh tình của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, một số tổ chức văn hóa vẫn từng xem anh như đại sứ âm nhạc của Việt Nam cũng đóng góp kinh phí để anh trị bệnh.

Một người bạn nói với anh: "Sức khỏe là quý nhất. Tuấn đừng liều lĩnh. Có sức khỏe mới có thể tiếp tục con đường âm nhạc. Mà âm nhạc của Tuấn đâu phải chỉ dành cho mình Tuấn, nó là của tất cả mọi người!".

Lời khuyên chân thành ấy đã gạt hết mọi lưỡng lự trong anh. Mạnh Tuấn quyết định đương đầu với bệnh tật.

Đó là lần thứ 30 Trần Mạnh Tuấn đến Mỹ. Nhưng lần này, anh đến không phải để học tập hay biểu diễn. Anh được giới thiệu đến viện NIH (National Institutes of Health) tại Bethesda, một vùng gần thủ đô Washington, Mỹ. Đây cũng là trung tâm chữa bệnh danh tiếng.

Anh ở một khách sạn gần bệnh viện để tiện cho việc đo đạc, xét nghiệm. Đúng một ngày sau khi phẫu thuật, anh đã có thể đi lại, hít thở khí trời.

Nghệ sĩ saxophone tâm sự: "Tôi không thể tin được mọi sự lại nhanh chóng như thế. Đến ngày thứ bảy sau cuộc phẫu thuật, tôi đã được bác sĩ cho phép đi shopping tìm mua các CD nhạc jazz Tôi bước trên đường phố, nhìn cảnh vật và con người, mới hiểu trọn vẹn nghĩa của từ "tái sinh"".

Trần đầy xúc động và hạnh phúc, sức khỏe tạm hồi phục, anh đã đến biểu diễn ở những nơi có người Việt sinh sống. Chưa bao giờ giai điệu của những bản nhạc quê hương và nhạc Trịnh lại đẹp đẽ và sâu sắc với anh như trong những ngày ấy.

Gần đến ngày giỗ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Mạnh Tuấn rất sốt ruột, mong về nước. Hàng ngày, anh vẫn phải đến viện để làm xét nghiệm, uống thuốc, phòng ngừa cơ thể đào thải bộ phận mới ghép.

Mở email, bạn bè thông báo về đêm nhạc kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhạc sĩ họ Trịnh, anh thầm khấn: "Nếu anh có thiêng, xin hãy cho em vượt qua kỳ kiểm tra sức khỏe cuối cùng để được về Việt Nam trong đêm nhạc tưởng nhớ anh...".

Thật bất ngờ, ngay buổi chiều hôm ấy, bác sĩ điều trị thông báo tình trạng của anh rất tốt, anh có thể lên máy bay về nhà.

"Giờ đây, được chữa khỏi bệnh, như một người được ban tặng cuộc sống mới, tôi càng khao khát chia sẻ trải nghiệm tuyệt vời của mình với mọi người. Tôi biết ơn âm nhạc và cuộc sống này...".

(Theo Thế giới văn hoá & VTV)

Tin cùng chuyên mục