Trong 4 tháng qua, tại TPHCM đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xuất phát từ các suất ăn công nghiệp. Điều đáng nói, hầu hết các suất ăn được các bếp ăn công nghiệp tự túc chế biến hoặc cung cấp bởi các cơ sở, doanh nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Suất ăn… 3 không
Mới đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra chiều 12-5 tại Công ty Worldon (ngành dệt may, 100% vốn Trung Quốc, đóng tại Khu Công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi). Sau bữa trưa với các món gà chiên nước mắm, thịt kho, đồ xào, hàng loạt công nhân tại Công ty Worldon bị nôn ói, ngất xỉu. Ít nhất đã có hơn 50 công nhân gặp phải các triệu chứng đau bụng, nôn ói, ngất… được đưa đi cấp cứu. Đến nay, theo Chi cục ATVSTP (Sở Y tế TPHCM) thì nguyên nhân vẫn đang được điều tra! Được biết, Công ty Worldon có khoảng 6.000 công nhân đang làm việc và tự tổ chức nấu ăn…
Trước đó, trong tháng 2 và 3 cũng đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể cho cả trăm học sinh của các trường tiểu học, THCS đóng trên địa bàn TPHCM. Một vụ xảy ra tại trường Tiểu học Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1) làm 44 học sinh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói liên tục, choáng váng… Vụ tiếp theo xảy ra tại Trường THCS Lê Quý Đôn (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) cũng làm hàng chục học sinh “mật xanh mật vàng”… Ghi nhận cho thấy, phần lớn các suất ăn được cung cấp bởi các doanh nghiệp chuyên nấu ăn, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế điều tra dịch tễ sau ngộ độc cho thấy các đơn vị cung cấp suất ăn vẫn “3 không”, chưa bảo đảm điều kiện ATVSTP như: cơ sở mặt bằng, dụng cụ chế biến chưa đảm bảo; quy trình chế biến không tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng; nguyên liệu chế biến không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc…
Theo Chi cục ATVSTP TPHCM, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016 đã có đến 6 vụ ngộ độc thực phẩm với số người mắc lên đến gần 300 người. Đáng chú ý là đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở trong các trường học. Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm tập thể cũng có xu hướng gia tăng tại các bếp ăn tại khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN). Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục ATVSTP, tình hình ngộ độc thực phẩm trong 5 năm gần đây (2012- 2016) đang thay đổi theo chiều hướng tăng về số vụ lẫn số người mắc và tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn gia tăng. Ở những năm 2012, 2013, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm do các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn chiếm khoảng 33,3%. Còn ở năm 2015, trong 6 vụ ngộ độc thực phẩm thì đã có đến 4 vụ do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn gây ra; trong 4 tháng đầu năm 2016, có 6 vụ ngộ độc thực phẩm thì 3 vụ là do các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn gây ra.
Chế biến thực phẩm tại một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp
Bắt cóc… bỏ dĩa!
Theo Chi cục ATVSTP TPHCM, trong 4 tháng đầu năm 2016 đã phạt hàng trăm cơ sở vi phạm các điều kiện ATVSTP. Trong đó, số cơ sở kinh doanh ăn uống, cung cấp suất ăn công nghiệp… chiếm đa số với nhiều hành vi vi phạm như: không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng, động vật gây hại; cống rãnh ở khu vực nhà bếp không thông thoát, gây ứ đọng; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe quá thời hạn; không kiểm nghiệm sản phẩm… Tuy nhiên, việc xử phạt chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và như là “bắt cóc bỏ dĩa”!
|
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, thực phẩm chế biến suất ăn sẵn mua với giá rẻ, quy trình chế biến, vận chuyển không đảm bảo đang là “bóng ma” gây ra các vụ ngộ độc cho công nhân, học sinh bán trú. Tại hội nghị về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm KCX-KCN năm 2016, ông Hòa cho biết hiện có nhiều hình thức cung cấp suất ăn công nghiệp cho khoảng 280.000 lao động tại các KCX-KCN sử dụng hàng ngày. Cũng theo ông Hòa, trong 2 năm qua, tình trạng ngộ độc tại các KCX-KCN đang gia tăng trở lại, tất cả đều do suất ăn sẵn gây ra. “Giá của các mặt hàng thực phẩm đều tăng cao, song giá suất ăn bình quân của người lao động chỉ giao động từ 10.000 - 13.000 đồng/suất. Trên thực tế, giá trị suất ăn của người lao động còn có thể bị “xà xẻo” bằng cách mua thực phẩm với giá rẻ, kém chất lượng, quy trình chế biến không đảm bảo an toàn nên khó đảm bảo vệ sinh”, ông Hòa quan ngại.
Với hơn 200 cơ sở có địa chỉ và hàng trăm cơ sở không địa chỉ khác, thị trường cung cấp suất ăn sẵn tại TPHCM đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Một chủ cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp tại quận 7 cho biết, hầu hết nguồn thu mua là thực phẩm “ôi” từ các chợ chiều có giá rẻ! Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các chủ cơ sở cung cấp suất ăn hay bếp ăn tập thể cần nhìn nhận đúng trách nhiệm với sức khỏe người dân, với cộng đồng. Ông khuyến cáo cơ quan chức năng địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra cũng như “mạnh tay” với cơ sở cung cấp suất ăn “bẩn”. Mặt khác, nêu cao vai trò tuyên truyền pháp luật, vận động để chủ các cơ sở cung cấp suất ăn hiểu được trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng!
TƯỜNG LÂM