
Tại hội thảo an toàn thực phẩm (ATTP), tổ chức ở TP Đà Nẵng ngày 8-11, Giáo sư Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhận xét: Vấn đề ATTP ngày càng được đông đảo người dân quan tâm, nhất là trong bối cảnh dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc tái diễn.

Thịt an toàn được bán tại siêu thị Metro Đà Nẵng. Ảnh: Đ.P.
Do vấn đề kiểm soát vệ sinh ATTP mới được thiết lập, nên còn nhiều hạn chế trong hệ thống giám sát, thống kê. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nông Thị Ngọc Minh cho rằng trước năm 2005 chưa có vụ ngộ độc nào có đến trên 30 người, nhưng vừa qua xảy ra 2 vụ ngộ độc với khoảng 150 người.
Điều đáng nói là ý thức của người dân chưa cao. Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam Uwe Hoelzer nói: “Trong chúng ta có một số vị chưa bao giờ nghĩ về ATTP hay tự hỏi món đang ăn hoặc uống có an toàn không?”.
Ở Đà Nẵng có khoảng 200 nhà máy, với hơn 40.000 công nhân lao động làm việc, chỉ có 90 nhà máy trong số này có bếp ăn tập thể, nhiều đơn vị khoán trắng cho bên ngoài lo việc chế biến thực phẩm. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - bác sĩ Trần Văn Nhật lo ngại nguy cơ ngộ độc cấp tính, nhất là đối với thức ăn đường phố và bếp ăn cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp. Nhưng điều lo ngại lớn hơn là ngộ độc mãn tính, gây ra nhiều bệnh tật về sau (ung thư, tim mạch, tiểu đường… ).
Ông Uwe Hoelzer cho rằng vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của một vùng, một quốc gia. Theo tính toán của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chi phí điều trị mỗi ca ngộ độc thực phẩm khoảng 100 USD. Từ năm 1999 đến năm 2005, có đến 1.530 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 35.010 người mắc bệnh và 391 người trong số này chết.
Tổng kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được cấp 5 năm qua là 192 tỷ đồng, tương đương 468 đồng/người/năm (ở Thái Lan con số này là 12.000 đồng/người/năm), mới đạt 3,9% so với nhu cầu thực tế đòi hỏi.
Hiện nay, việc hướng dẫn và quản lý sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi còn khá lỏng lẻo, dẫn đến lạm dụng thuốc kháng sinh, gây tồn dư và ảnh hưởng đến tính an toàn của sản phẩm động vật. Nhiều địa phương chưa có sự chuyển biến tích cực, còn lúng túng, chưa thật sự quan tâm đến quy hoạch và quản lý giết mổ gia súc tập trung.
Cục Thú y nhận xét chỉ riêng TPHCM triển khai công tác này rất tốt; hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có quy hoạch, nhưng cũng mới kiểm soát 50%-70% lượng gia súc vào các cơ sở giết mổ tập trung. Trong khi đó, về trồng trọt, ở một số vùng, địa phương, nông dân chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy trình sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật… Hậu quả là đất đai bị thoái hóa, bạc màu, môi trường (đất, nước) bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến tính an toàn của nông sản và cả sức khỏe của người trồng.
Vì vậy, cần phải kiện toàn bộ máy giám sát (con người và phương tiện), việc nâng cao ý thức người tiêu dùng, người sản xuất các mặt hàng nông sản - thủy sản, nhà vận chuyển, phân phối (các chợ, siêu thị…), cơ sở chế biến, bếp ăn, quán ăn, cho đến nhà hàng,. Toàn xã hội phải quan tâm và mọi người có hành động thiết thực cho việc bảo đảm ATTP.
CÔNG PHIÊN