(SGGP).- Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi đến vụ tranh chấp thừa kế liên quan đến khối tài sản khổng lồ - trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng.
Được biết, đây là tài sản do bà T.K.P. (SN 1946, ngụ phường Hiệp Tân quận Tân Phú TPHCM) để lại. Bà P. sống độc thân, chỉ có một người con gái nuôi là chị T.H.H.L., SN 1987. Vào tháng 3-2011, bà P. đột ngột qua đời, để lại khối tài sản rất lớn gồm vàng, kim cương, tiền mặt VNĐ, USD, nhiều sổ tiết kiệm cùng hồ sơ đứng tên chủ quyền nhiều nhà xưởng, đất đai ở quận Tân Phú TPHCM và một số tỉnh khác…
Tuy nhiên, rắc rối về việc xác định người thừa kế khối di sản trên phát sinh do bà P. qua đời không để lại di chúc. Theo quy định của pháp luật, do không có di chúc của bà P., chị L. thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được thừa kế khối di sản này, nhưng các anh chị em của bà P. lại cho rằng tài sản của bà P. có phần đóng góp của mình nên yêu cầu phải phân chia rõ ràng. Trong thời gian chờ vụ tranh chấp được giải quyết, ông T.V.P. (em trai bà T.K.P.) và chị L. thống nhất ký hợp đồng thuê hai ngăn tủ sắt của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) để gửi số tài sản trên thời hạn 1 năm.
Đến ngày 31-5 vừa qua, ông P. và chị L. không thống nhất được phương án gia hạn hợp đồng, Sacombank quyết định chấm dứt hợp đồng cho thuê két sắt. Vụ tranh chấp chưa được giải quyết, tài sản lại không được tiếp tục gửi ở nơi trung gian dưới sự thỏa thuận của hai bên càng khiến tính chất vụ việc thêm phức tạp.
Chiều 4-6, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh xác nhận sau khi bà P. qua đời, văn phòng được gia đình bà P. mời lập vi bằng ghi nhận việc bà để lại khối tài sản trong két sắt và trong phòng riêng. Vi bằng này sẽ được sử dụng làm một trong những chứng cứ để giải quyết tranh chấp giữa các bên về sau. Về phần ông P., khi chúng tôi liên hệ, ông cho biết không muốn nói gì thêm, mọi việc cứ chờ cơ quan chức năng giải quyết. Đại diện Sacombank cũng từ chối cung cấp thông tin với lý do không muốn liên quan tranh chấp cá nhân giữa hai bên.
Xung quanh vấn đề pháp lý, luật sư Phạm Thị Ngọc Thủy (Công ty Luật hợp danh Phước Lý) thông tin: Chị L. có giấy khai sinh là con nuôi của bà P. nên là người thừa kế duy nhất khối di sản do bà để lại trong trường hợp cha mẹ của bà P. không còn; những người anh chị em của bà P. nếu cho rằng có phần đóng góp của mình trong khối di sản này thì cần phải đưa ra giấy tờ chứng minh.
“Việc Sacombank từ chối tiếp tục cung cấp dịch vụ gửi giữ tài sản khi hết hạn hợp đồng và hoàn trả tài sản gửi giữ mà không được sự đồng ý của bên còn lại – anh chị em của bà P., theo quan điểm của tôi là không sai nhưng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi anh chị em của bà P. (nếu có)”, luật sư Phạm Thị Ngọc Thủy nói.
L.T.Hân