Ao cá Bác Hồ trong văn hóa người H’rê, Quảng Ngãi

46 năm qua, người H’rê ở thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn giữ gìn “Ao cá Bác Hồ” như một “di sản” quý giá, nhắc nhở thế hệ trẻ ký ức thiêng liêng về Bác.

Năm 1979, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ”, sau đó, cá giống từ ao cá trong Phủ Chủ tịch được gửi về cho các địa phương.

Hưởng ứng phong trào này, người H’rê ở thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) đã phát động xây dựng “Ao cá Bác Hồ”.

Ông Đinh Văn Tơ, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, vào thời điểm năm 1979, ông giữ chức Bí thư Huyện đoàn và được giao nhiệm vụ huy động đoàn viên thanh niên thị trấn Di Lăng xây dựng Ao cá Bác Hồ.

ao cá bac ho 2.jpg
Ao cá Bác Hồ hiện nay nằm trong khuôn viên Trung tâm Bảo tồn văn hóa H’rê, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông kể: “Sau khi khảo sát, chúng tôi quyết định chọn khu vực xung quanh đám ruộng lầy ở xóm Mẹ Đũa. Hồi đó, thanh niên chúng tôi rất hăng hái, không có máy móc thiết bị, chúng tôi chỉ có cuốc, xẻng và hàng trăm người cùng đào cả ao cá lớn. Việc đào ao cá cũng phải làm qua 2,3 giai đoạn vì ao cá bị vỡ bờ. Về sau, tôi đã nhờ huyện xin xe máy múc đắp đập kiên cố”.

Về nguồn nước nuôi cá, đoàn viên thanh niên và người dân thị trấn Di Lăng chung sức làm mương dẫn nước từ suối vào đám ruộng lầy ở xóm Mẹ Đũa. Đối với nguồn cá, huyện Sơn Hà cũng học tập theo lời Bác Hồ là “nuôi cá phải chọn loại dễ nuôi, nhanh lớn, sinh sản nhiều và có giá trị kinh tế” và các giống cá được thả nuôi là cá rô phi, cá mè, cá trắm cỏ… Các loại cá này dễ nuôi, ăn cỏ, rau, bèo, các loại thức ăn tạp nên lớn nhanh chóng, có năm thu hoạch cả tấn cá. Công trình hoàn thành, ở bờ ao đóng một biển lớn ghi “Ao cá Bác Hồ”.

Ông Tơ cho biết: “Từ khi Ao cá Bác Hồ hoàn thành, các nơi rất hưởng ứng, nếu huyện làm ao lớn thì các xã triển khai làm các ao cá nhỏ, nhờ đó giúp ích đời sống kinh tế người dân vùng núi”.

Từ những năm 1998, Ao cá Bác Hồ được giao lại cho ông Đặng Mạnh Dũng và vợ là bà Ngô Thị Hằng, sống gần ao cá, chăm sóc, giữ gìn. Gia đình ông đã chăm chút từng góc ao, ngọn cỏ ven hồ.

ao ca bac ho.jpg
Bà Hằng cho cá ăn trong Ao cá Bác Hồ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Hằng cho biết: “Gia đình tôi cũng nuôi đủ loại cá, cá trắm cỏ, cá mè, cá trôi, cá rô phi, mỗi năm bán cá 1 lần. Thời gian sau, việc nuôi cá ngày càng khó khăn, nhất là vào mùa nước lụt, mưa lớn, cá bị trôi ra ngoài. Từ 12 năm qua, chúng tôi cải tạo ao để trồng sen, vào mùa sen nở từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm, rất đông người dân, học sinh tới tham quan, chụp ảnh. Mỗi vụ cũng thu hoạch được 5 tạ hạt sen, góp phần cải thiện kinh tế gia đình”.

Sau hơn 20 năm trông coi, vợ chồng ông Dũng cũng giao lại cho huyện, nhưng trách nhiệm vẫn còn đó. Hàng ngày, gia đình ông vẫn trông coi Ao cá Bác Hồ, dù bây giờ diện tích ao chỉ còn khoảng 2.000m2 nhưng vẫn là một sợi dây gắn kết tình cảm của người dân dành cho Bác.

ao ca bac ho 3.jpg
Phía sau Ao cá Bác Hồ là công trình Nhà sàn truyền thống do huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, đầu tư xây dựng trong Khu trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc Hrê huyện Sơn Hà theo kiến trúc truyền thống của người dân tộc Thái, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa hai huyện. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Người H’rê ở Sơn Hà có truyền thống đấu tranh giữ làng giữ nước từ xa xưa. Bà con nguyện một lòng theo Đảng, theo cách mạng, tham gia tích cực vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đến nay, kinh tế của người dân ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Các dân tộc anh em trên địa bàn huyện tích cực bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống với với Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

UBND huyện Sơn Hà đã quy hoạch xây dựng Trung tâm Bảo tồn văn hóa H’rê với tổng diện tích 25ha và chọn Ao cá Bác Hồ là “trái tim” dự án. Các hạng mục gồm nhà truyền thống H’rê, không gian sinh hoạt cộng đồng, điểm vọng cảnh, tuyến xe đạp khám phá thiên nhiên, chòi nghỉ chân, Ao cá Bác Hồ, đường dạo ven Ao cá Bác Hồ, ruộng lúa hiện trạng, khe suối cảnh quan, trung tâm hội nghị, biệt thự nghỉ dưỡng…

Ông Phan Anh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết: “Hiện nay, dự án vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, tuy nhiên, sau khi hoàn thành, địa phương hướng đến xây dựng nơi đây trở thành điểm đến, điểm tham quan học tập, trải nghiệm, khám phá, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc”.

Tin cùng chuyên mục