Áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Cà Mau

Áp thấp nhiệt đới gần bờ sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, đi qua mũi Cà Mau với cấp 6-7, giật cấp 9; khi sang biển Tây vẫn giữ nguyên cấp 6. Đây là khu vực rất ít khi có bão hoặc ATNĐ đổ bộ vào nên phải đặc biệt lưu ý. 
Tàu thuyền vào cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) tránh trú áp thấp nhiệt đới. Ảnh: LÊ KHOA
Tàu thuyền vào cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) tránh trú áp thấp nhiệt đới. Ảnh: LÊ KHOA

* ĐBSCL tất bật đối phó áp thấp nhiệt đới kép

Ngày 1-11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần bờ và ATNĐ gần biển Đông mạnh lên thành bão.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, ATNĐ gần bờ sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, đi qua mũi Cà Mau với cấp 6-7, giật cấp 9; khi sang biển Tây vẫn giữ nguyên cấp 6. Đây là khu vực rất ít khi có bão hoặc ATNĐ đổ bộ vào nên phải đặc biệt lưu ý. ATNĐ này gây mưa lớn ở khu vực Nam bộ, ven biển Nam bộ, mưa từ ngày 1 đến hết ngày 2-11 với lượng mưa từ 100-150mm, trên biển có dông mạnh và lốc xoáy.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, trong ngày 1-11 vẫn còn 1.480 tàu thuyền với gần 11.000 người cần tập trung kêu gọi, hướng dẫn về bờ, tìm nơi trú tránh hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của 2 ATNĐ có vị trí rất nguy hiểm. Về hệ thống đê biển ở khu vực các tỉnh ĐBSCL hiện vẫn còn 5 vị trí đang thi công cần phải chú ý đảm bảo an toàn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, yêu cầu cần khắc phục ngay bệnh chủ quan trong công tác ứng phó với thiên tai, đặc biệt là đối với những cơn bão không mạnh hay áp thấp nhiệt đới. Áp thấp nhiệt đới này đổ bộ vào vùng Bến Tre - Cà Mau là vùng dễ bị tổn thương do thiên tai vì người dân có tập quán sống ven sông rạch. Đây cũng là vùng có diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển lớn cần phải chú ý các biện pháp ứng phó triều cường có thể gây ảnh hưởng cho nuôi trồng thủy sản.

Riêng với các tỉnh miền Trung, đặc biệt Trung Trung bộ (từ Thừa Thiên - Huế trở vào Nam bộ), đã và sẽ có mưa lớn diện rộng, nhiều nơi mưa trên 200mm. Với loại hình thiên tai tổng hợp gồm: ATNĐ, không khí lạnh tăng cường, mưa lũ, triều cường… diễn biến phức tạp sẽ gây khó khăn cho việc ứng phó nên các cấp chính quyền địa phương và người dân không được chủ quan. Bài học về cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997 mặc dù chỉ là một cơn bão không quá mạnh (bão cấp 10) nhưng đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở các tỉnh ĐBSCL với khoảng 3.000 người chết, mất tích, hàng ngàn tàu thuyền bị chìm.

Trước ATNĐ kép đang tiến vào Nam bộ, ngày 1-11, nhiều tỉnh, thành ven biển ở ĐBSCL đã họp khẩn các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) để phân công các thành viên xuống cơ sở chỉ đạo công tác ứng phó, tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ, tìm kiếm chỗ trú tránh. 

Tại Cà Mau, báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau cho biết trên vùng biển Cà Mau đang còn 464 tàu thuyền, 2.644 người đang hoạt động trên biển. Ông Trần Hồng Quân, Phó ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau, cho biết: Hiện nay công tác kêu gọi các tàu thuyền tìm nơi tránh trú đang được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Tỉnh yêu cầu các địa phương phải cập nhật tình hình ATNĐ và các phương án ứng phó mỗi 4 giờ/lần; đồng thời nghiêm cấm các tàu ra khơi kể từ 18 giờ ngày 1-11. Thống nhất xem xét cho học sinh mầm non và tiểu học ở khu vực nguy hiểm nghỉ học vào sáng 2-11. Kiến nghị với Trung ương, Bộ Ngoại giao giúp ngư dân vào trú bão ở vùng biển Malaysia, Indonesia vì các phương tiện này không vào kịp về nước tránh trú. Tỉnh Cà Mau quyết định dời lễ tưởng niệm 20 năm các nạn nhân thiệt mạng bão Linda vào ngày 3-11.

Tại tỉnh Bạc Liêu, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã có thông báo số 1 về việc triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Theo đó, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành hữu quan nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động. Kiểm đếm chính xác số lượng tàu thuyền và thuyền viên còn ở trên biển để thông báo tìm nơi trú ẩn an toàn. Thông tin tuyên truyền rộng rãi về diễn biến của ATNĐ để nhân dân chủ động phòng tránh kịp thời. Vận động nhân dân tích cực gia cố bờ bao, ao đầm, bơm tát nước để bảo vệ diện tích lúa thu đông, lúa trên đất tôm, diện tích nuôi trồng thủy sản và rau màu, chủ động chằng chống nhà cửa đề phòng lốc xoáy, dông sét…

Trước diễn biến có thể rất phức tạp của ATNĐ, Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu tập trung thông tin liên tục về ATNĐ để chủ các phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển nắm bắt và chủ động tránh trú. Ngoài kêu gọi tàu thuyền vào bờ, đối với các vùng trọng yếu ven biển, ven sông Hậu thì kiểm tra kỹ lưỡng, duy tu, trực canh; đối với những tuyến đò ngang, đò dọc trên sông lớn cần kiểm tra kỹ, nhắc nhở trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi; đề nghị tuyến tàu cao tốc Sóc Trăng - Côn Đảo ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Tại Trà Vinh, nhằm chủ động ứng phó với ATNĐ gần bờ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Trà Vinh thông báo cho các tàu cá luôn hoạt động theo nhóm, giữ liên lạc và luôn trong tư thế sẵn sàng di chuyển khi có lệnh. Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh bố trí người túc trực, liên tục liên lạc được với tất cả các tàu cá của địa phương đang hoạt động đánh bắt và ra lệnh cho gần 200 tàu cùng gần 1.600 thuyền viên của địa phương không được di chuyển xa bờ và xuống phía Nam.

Tại Kiên Giang, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: Kiên Giang có hơn 10.000 tàu đánh bắt hải sản. Trong đó có 45% tàu đánh bắt xa bờ. Hiện nhiều tàu đánh bắt gần bờ đã vào nơi trú an toàn, còn các tàu xa bờ cũng đang chạy vào.

Đại tá Bùi Minh Trí, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, cho biết: Đơn vị đã kêu gọi hơn 3.500 phương tiện với khoảng 18.000 lao động đang hoạt động từ vĩ độ 10 trở lên trong vùng ảnh hưởng vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện vẫn còn khoảng 6.000 phương tiện với hơn 30.000 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm từ 7-10 độ vĩ Bắc.

Ông Lê Phước Săn, Trưởng điều hành đội tàu khách của Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong, cho biết tàu cao tốc có sức chứa hơn 300 khách từ Sóc Trăng ra Côn Đảo đã được lệnh tạm ngưng hoạt động để tránh ATNĐ. Riêng 7 tàu cao tốc Rạch Giá - Phú Quốc; Hà Tiên - Phú Quốc; Rạch Giá - Đảo Nam Du (250-350 chỗ mỗi tàu) vẫn hoạt động bình thường.

Tỉnh Bến Tre cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc tìm mọi biện pháp thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm để tìm nơi trú ẩn an toàn. Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú ven biển, trong sông; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền.

Tin cùng chuyên mục