ASEAN cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn về biển Đông

Sức ép của dư luận quốc tế đối với thái độ sai trái của Trung Quốc ngày càng lớn. Những tài liệu lịch sử được thu thập từ nhiều nguồn đều khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam. Trong khi đó, nhằm tiếp tục âm mưu đặt mọi sự vào việc đã rồi, Trung Quốc lại có bước đi mới đầy thách thức.
ASEAN cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn về biển Đông

Sức ép của dư luận quốc tế đối với thái độ sai trái của Trung Quốc ngày càng lớn. Những tài liệu lịch sử được thu thập từ nhiều nguồn đều khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam. Trong khi đó, nhằm tiếp tục âm mưu đặt mọi sự vào việc đã rồi, Trung Quốc lại có bước đi mới đầy thách thức.

Trung Quốc hoạt động phi pháp

Theo truyền thông Trung Quốc, nước này đang xây dựng một trường học trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho khoảng 40 học sinh với tổng kinh phí xây dựng là 5,76 triệu USD. Đây được xem là hành động phi pháp của Bắc Kinh với tham vọng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo của Việt Nam.

Thời gian qua, Chính phủ Philippines liên tục công bố hình ảnh tố cáo Trung Quốc có ý định xây dựng căn cứ quân sự tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cựu cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roilo Golez đã cảnh báo mối nguy hiểm đối với an ninh và ổn định của ASEAN nếu Trung Quốc hoàn thành căn cứ này.

Tiến sĩ William Choong, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) - khu vực châu Á khẳng định, trước những việc làm đầy toan tính của Trung Quốc nhằm mở rộng chủ quyền của mình ở biển Đông, ASEAN cần phải có cách tiếp cận chung, mạnh mẽ hơn với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Theo ông Choong, trước những hành động của Trung Quốc tại biển Đông, nếu không có phản ứng nào thì Trung Quốc sẽ biến ý đồ của họ thành thực tế. Điều này sẽ có hại cho an ninh khu vực.

Về đối sách của Việt Nam, ông Choong hoan nghênh Việt Nam đã không leo thang căng thẳng, không sử dụng vũ lực để chống lại các tàu của Trung Quốc ở quanh khu vực đặt giàn khoan. Bên cạnh đó, ông đánh giá cao cách Việt Nam tiếp cận ôn hòa và hợp lý đối với các thách thức của Trung Quốc tại vùng biển của mình.

Tàu Trung Quốc hung hăng xịt vòi rồng về phía tàu Việt Nam.

Tàu Trung Quốc hung hăng xịt vòi rồng về phía tàu Việt Nam.

Việt Nam khéo léo và kiềm chế

Cuối tuần qua, tại Học viện Ngoại giao Áo đã diễn ra Hội thảo về biển Đông do Hội hữu nghị Áo - Việt phối hợp cùng Tiến sĩ Afred Gerstl, chuyên gia tại Viện khoa học Đông Á, Trường Đại học Vienna (Áo), tổ chức với sự tham dự của khoảng 80 khách mời là đại diện các cơ quan ngoại giao, giới học giả và sinh viên Áo cùng đông đảo phóng viên tới đưa tin.

Tại hội thảo, tham luận của Tiến sĩ Gerstl tập trung phân tích sâu về vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 khi đối chiếu với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); động thái, ý đồ của các bên liên quan trực tiếp ở biển Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và các bên gián tiếp gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga; về vai trò của ASEAN trong việc giải quyết căng thẳng trên biển Đông; cũng như những tác động tới khu vực một khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết... Đề cập đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, tham luận chỉ rõ dựa vào UNCLOS 1982, tuyên bố chủ quyền theo “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc nêu ra so với vùng đặc quyền kinh tế của nước này có sự chênh lệch rất lớn.

Tiến sĩ Gerstl nhấn mạnh, Việt Nam tuyên bố chủ quyền của mình ngoài cơ sở pháp lý của UNCLOS, còn dựa trên căn cứ có từ lịch sử lâu đời đã được lưu giữ trong các tài liệu lịch sử chính thống. Ngoài ra, thư viện quốc gia Áo có tài liệu cổ nói về vấn đề này.

Trước đó, ngày 14-6, khoảng 800 người đại diện nhiều hội, đoàn và cá nhân, trong đó có khá nhiều bạn bè người Đức, tới từ thành phố Hannover, thủ phủ bang Niedersachsen, các vùng lân cận và cả các thành phố cách xa hàng trăm kilômét như Oldenburg, Magdeburg, Bremen... đã cùng tham gia tuần hành phản đối các hành vi ngang ngược, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Đức đã tổ chức nhiều hoạt động thể hiện sự chung tay, đoàn kết với đồng bào khắp nơi trên thế giới hướng về Tổ quốc, phản đối các hành vi sai trái của Trung Quốc. Bên cạnh các cuộc tuần hành rầm rộ tại nhiều thành phố, bà con còn tổ chức nhiều chương trình quyên góp ủng hộ ngư dân và các chiến sĩ bám biển bảo vệ quê hương.

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

>> Việt Nam tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc tại LHQ

Tin cùng chuyên mục