ASEAN - Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác hậu Covid-19

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong sẽ lần lượt công du Việt Nam, Singapore và Indonesia vào đầu tuần tới. Chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của ông Chung Eui-yong nhằm thảo luận về phương án hợp tác hậu Covid-19.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong. Nguồn: Yonhap
Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong. Nguồn: Yonhap

Đầu tư phát triển công nghệ 

Sau Việt Nam, Ngoại trưởng Hàn Quốc sẽ thăm Singapore, quốc gia vừa được chọn để thành lập trung tâm thông tin và an ninh mạng mới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trung tâm này cho phép cơ quan quốc phòng của các nước trong khối trao đổi thông tin thuận lợi hơn để ứng phó với các mối đe dọa về an ninh mạng và thông tin sai lệch. Singapore cũng sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) + lần thứ 15 về chống lại các mối đe dọa hóa học, sinh học và phóng xạ vào năm 2022, gồm 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại, trong đó có Hàn Quốc.

Theo giới phân tích, chuyến công du lần này còn nhằm mục đích chào xã giao Ngoại trưởng của 3 nước trước thềm Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF). ARF là một cơ chế thảo luận an ninh đa phương duy nhất mà CHDCND Triều Tiên tham gia. Diễn đàn có sự tham gia của 27 nước, trong đó có 10 nước ASEAN và các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU).

Trước chuyến công du vài ngày, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc đã công bố “Dự án phát triển công nghệ chung quốc tế Hàn Quốc -  ASEAN” và tiếp nhận hồ sơ tham gia từ ngày 11-8. Dự án này sẽ được xúc tiến thí điểm trong năm nay với nội dung hỗ trợ phát triển công nghệ chung giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của ASEAN, khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn. Lĩnh vực xúc tiến là 12 ngành công nghệ tiêu biểu như: ngành xe máy điện, đèn đường LED thông minh, chăn nuôi thông minh, ô tô điện dưới 9 chỗ, xe buýt điện trên 20 chỗ... Doanh nghiệp được chọn tham gia dự án sẽ được hỗ trợ vốn phát triển công nghệ tối đa 1 tỷ won (884.300 USD) trong vòng 3 năm, xúc tiến nghiên cứu chung và chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu của ASEAN.

Mở rộng hợp tác

Tại cuộc họp lần thứ 8 Ủy ban Hợp tác chung ASEAN- Hàn Quốc (JCC) vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến, các bên đã ghi nhận những tiến triển tốt đẹp trong các lĩnh vực hợp tác khác trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2021-2025. ASEAN đã hoan nghênh chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ ASEAN - Hàn Quốc phù hợp với ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN.

Bên cạnh đó, theo Hãng tin Yonhap, nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á đang chờ đợi sự ra mắt của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm ASEAN và các đối tác đối thoại. Hàn Quốc còn có kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), một hiệp định tương đương với một hiệp định thương mại tự do, với Indonesia. Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục xem xét việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như một phần trong nỗ lực mở rộng các FTA lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài FTA riêng với ASEAN, Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy việc ký thỏa thuận thương mại tự do với từng thành viên của khối, bởi Seoul coi ASEAN là trọng tâm trong chính sách “hướng Nam mới” của mình. Tới nay, Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận FTA với Việt Nam và Singapore. Hiện Seoul cũng đang đàm phán FTA với Malaysia và Indonesia. Nếu các cuộc đàm phán này thành công, Hàn Quốc sẽ có thỏa thuận FTA với tất cả 5 đối tác thương mại hàng đầu của nước này ở Đông Nam Á.

Theo báo cáo “Xu hướng kinh tế tháng 6” do Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc vừa công bố, trong quý 1-2021, nền kinh tế Hàn Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và đầu tư cơ sở vật chất. 

Tin cùng chuyên mục