Ba và con gái

Con gái giống ba như đúc, giống cách ăn nếp ở, giống màu da ngăm đen mà phấn son đều hờn dỗi. Ngày con đi nhà trẻ, con nhẹ cân nhất lớp nên mỗi tháng ba hay chạy ù vào trường để xem chỉ số cân nặng của con. Tháng nào con lên được vài lạng là ngày đó ba vui.

Ba và con gái

Mỗi lần đâu đó công tác, quà cho con là búp bê và đầm xòe màu hường vì con thích màu hường. Rồi ba lấy máy chụp ảnh, con mặc đầm hường vẹo tới vẹo lui, thấy vậy bà nội nói vui: “Nhìn nó vẹo, tao như thoát vị đĩa đệm”.

Khi con thay răng cửa, ba sợ con móm nên tìm đến nha khoa đẩy răng bằng miếng thạch cao. Lớn lên con không móm mà hô. Có dạo ba chở con gái đi khắp thị xã tìm chỗ niềng răng nhưng chẳng thấy đâu, sau này cứ nhìn con cười mà ba xót. Bữa nọ trong giờ ra chơi, con chạy nhảy va đập cạnh bàn nên rách toạc trên mặt. Ba lục tung điện thoại người quen, hỏi bác sĩ nào khéo tay khâu vá. Vào bệnh viện, đứng cạnh bác sĩ ba nói lung tung, rằng đừng để lại sẹo, rằng gương mặt rất quan trọng… đến nỗi bác sĩ nạt ngang. Rồi ba lặng thinh mà nghĩ bụng: “Ông này, chắc không có con gái”.

cn4-tan-van-7936.jpg
Dõi theo bước đi của con trong môi trường mới đầy thử thách. Ảnh: LÊ NHUNG

Con gái luôn học lớp chọn, trường chuyên nên bài vở cứ ngập đầu. Mỗi ngày ba đưa con gái đến trường, ba nhìn theo con bước chân sáo đến tận cửa lớp rồi mới chịu quay đi. Khi đón con ra, ba thường mua sẵn thức ăn, nước uống cho con cầm hơi để chạy tiếp đến thầy học thêm. Có đêm về nhà đã chín giờ tối, hôm nào con không líu ríu phía sau là đã ngủ trên lưng ba.

TPHCM rộng lớn “nuốt chửng” đứa con bé xíu của ba kể từ khi con vào đại học, cũng là lúc ba đẩy con gái ra xa gia đình tập quăng quật giữa biển người mênh mông trong vô vàn nỗi lo ập đến. Nhưng con gái giống ba, dám thử thách và rồi con sớm thích nghi nơi thành thị phồn hoa. Một chiều cuối tuần, ba đi thành phố rước con về nhà, ngồi sau lưng ba, con gái thỏ thẻ: “Ba nè, nếu con có học bổng du học, ba lo được không ba”.

Trước ngày con đi học xa, ba và con gái ra mộ đốt nhang cho nội. Nhìn di ảnh thấy nội buồn buồn, chắc nội thương cháu gái một mình nơi vạn dặm xa xăm. Hành trang của con là quê hương, là tuổi thơ gói lại, đến học xứ người đánh cược với rủi may. Khi máy bay cất cánh, nước mắt con bắt đầu rơi. Thôi thì cứ khóc cho nhẹ lòng, bởi trước đó con cố kìm nén với mẹ, với em, lúc chia tay tại phòng cách ly, để mẹ thấy con gái của mẹ đã đủ trưởng thành, con gái của mẹ lo được bản thân dù một mình ở nơi xa lắc.

Đêm đầu tiên ở xứ người, ba và con gái tá túc ở nhà người quen. Đêm đó cha con mất ngủ, một phần vì lệch múi giờ, phần còn lại là cảm giác lo lắng lan man. Ba nằm gác tay lên trán, hết tay này rồi đến tay kia, trằn trọc. Khi nhìn sang con gái, ba thấy con vẫn cứ thao thức, thỉnh thoảng lại nghe những tiếng sụt sùi trong đêm nên đêm ở xứ người dài lê thê lạ lẫm, để rồi sáng mai mọi thứ vỡ òa, bắt đầu đối diện thực tại cho một sự chọn lựa. Con bước vô trường, ba nhìn con nhỏ thó trong biển người xa lạ cao to gần gấp đôi con. Bây giờ con không chân sáo mà đã bước đi mạnh mẽ hơn xưa, bởi nơi này bây giờ không có người thân, không có ba mẹ và em trai bên cạnh. Hôm ba về lại quê nhà, tại sân bay, ba nghĩ ngợi mông lung, nghĩ thương con một mình đơn độc, nghĩ đây là lần đưa con đi học sau cùng... Bất chợt điện thoại reo lên: “Bay chưa ba, lên máy bay cố ngủ, về đến nhà nhớ điện thoại cho con. Ba có tuổi rồi, ráng giữ gìn sức khỏe, nhen ba”.

Thấm thoát giờ con đã ra trường và đi làm. Cứ tối tối nhìn qua Facetime, thấy con khỏe mạnh là ba vui. Rồi ba dặn dò con gái đủ thứ, dạy cách thích nghi để tồn tại nơi xứ người, dạy con sống tử tế, sống đúng và sống thẳng. Nói vậy thôi chứ con gái của ba mạnh mẽ, biết suy nghĩ chín chắn, biết vượt qua khó khăn thử thách để vươn lên, biết chọn lựa cuộc sống cho mình vì ba mẹ không thể thay con, sống cuộc sống của con. Mặc dù bản tính giống ba, giống suy nghĩ và cách ăn nếp ở, giống luôn cả màu da ngăm đen… nhưng cha con luôn có khoảng cách giữa hai thế hệ nên hai suy nghĩ cũng đã rất riêng, giống như hai đường thẳng song song.

Tin cùng chuyên mục