Bác Hồ - cái tên quý hơn vàng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Bác Hồ - cái tên quý hơn vàng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Năm 1946, tôi đang làm Trưởng phòng Tài chính của huyện Cheoreo thì một hôm nhận được giấy mời lên tỉnh. Tôi nghĩ thầm: có lẽ mình được điều lên tỉnh học quân sự. Lên đến nơi, tôi mới biết nhiệm vụ của mình là lo phần văn nghệ cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam.

Bác Hồ - cái tên quý hơn vàng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ảnh 1

Ksor Ní. Ảnh: N.H.

Hôm ấy, tôi vừa đứng trong sân khấu, vừa nghe người ta đọc thư Bác Hồ. Có một người đọc tiếng Kinh và một người dịch ra tiếng Giarai. Ô hay, bên tai tôi là những lời lạ lẫm quá: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt…”.

Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe có người gọi người dân tộc chúng tôi bằng mấy chữ “anh em ruột thịt”. Trước giờ, giặc Pháp chỉ quen miệt thị người dân tộc Tây Nguyên là bọn “mọi” mà thôi. Hồ Chí Minh là ai, thực lòng tôi và nhiều người trong buôn làng vẫn còn mù mờ lắm. Tôi chỉ chắc một điều ông ấy phải là người tốt.

Dự đại hội xong, trở về nhà, cảm xúc hân hoan hạnh phúc lúc nghe thư Bác Hồ vẫn còn trong tim. Không biết tiếng Kinh, tôi cặm cụi sáng tác một bài thơ bằng tiếng Giarai ca ngợi Bác. Có thơ rồi, tôi còn “bạo gan” ngân nga bài thơ của mình theo điệu nhạc bài Tuốt Gươm Thiêng. Trong thơ, tôi hình dung Bác Hồ như người anh hùng Xinh Nhã bách chiến bách thắng trong trường ca của người Gia rai. Bài thơ được dịch nôm na:

Tuốt gươm thánh rèn đặc biệt

Hồ Chí Minh giành độc lập cho Việt Nam

Hồ Chí Minh dũng cảm, tài giỏi phi thường đánh Pháp,
đánh Nhật giành độc lập…

Chúng ta phải tuyên truyền rộng rãi

Không được quên tên quý như vàng

Cúng thánh cầu trời để Hồ Chí Minh sống mãi

Hồ Chí Minh muôn năm…”

Cũng trong năm 1946, tôi được ra Bắc, làm việc ở Nhà dân tộc Trung ương. Lần tiễn Bác đi thăm nước Pháp tháng 7-1946, tôi vinh dự đại diện cho thanh niên Tây Nguyên hát cho Bác nghe bài hát mình đã đặt lời đó.

Nghe xong Bác mỉm cười. 60 năm đã trôi qua, hôm nay, hơn 80 tuổi đời, tôi ngồi hát lại, thấy có một ý cần phải chữa lại như vầy: Cái tên kính yêu Hồ Chí Minh, với đồng bào Tây Nguyên phải là “cái tên quý hơn vàng” mới đúng, chứ không chỉ quý như vàng nữa!”.

(Viết theo lời kể của Ksor Ní, nguyên nhân viên phục vụ tại Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946).

Tin cùng chuyên mục