
Theo thống kê của Ban quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM, nhu cầu nhà lưu trú cho công nhân trong các KCX-KCN hiện nay khoảng trên 200.000 căn. Nhà lưu trú cho công nhân thiếu nên hàng trăm ngàn công nhân phải thuê chỗ ở tại những khu nhà trọ tồi tàn, điều kiện sống không đảm bảo. Thế nhưng, có một nghịch lý là các khu lưu trú do các công ty xây dựng khá tiện nghi – dù còn ít ỏi, lại rất thưa thớt công nhân đến trọ.
Không thích nhà đẹp, giá rẻ?

Khu lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận còn rất nhiều phòng trống. Ảnh: HUY ANH
Khu nhà lưu trú (NLT) của Công ty Nissei Electric ở KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức) được đưa vào sử dụng năm 2005 với hai lô nhà (1 trệt, 3 lầu/lô), có sức lưu trú 1.300 công nhân. Công ty trang bị “tận răng” những đồ dùng sinh hoạt như chiếu, chăn, mùng... Mỗi phòng rộng 24m² có 2 quạt máy, 8 tủ lớn đựng áo quần dành riêng cho 8 người lưu trú, 3 tủ đựng thức ăn, một bình nước nóng lạnh và mỗi tầng lầu có đến 4 máy giặt.
Tiện nghi như thế nhưng mỗi tháng công nhân chỉ phải trả khoảng 20.000 đồng tiền điện, nước (còn công ty đã trả 50.000 đồng/công nhân). Đây là khu NLT cho công nhân được đánh giá là rẻ, đẹp và tiện nghi nhất nhưng đến nay mỗi phòng chỉ có khoảng 4-6 người ở và rất nhiều phòng còn trống. Đại diện Liên đoàn Lao động TP cho biết, lúc đầu, số công nhân đến ở đây được khoảng 80% số phòng nhưng sau đó giảm xuống còn khoảng 65% vì công nhân chưa quen với nề nếp của khu lưu trú.
Trong khi đó cách khu NLT này không xa, phòng trọ của người dân và khu NLT công nhân của các doanh nghiệp, tư nhân lại được nhiều công nhân tìm thuê dù giá thuê cao gấp nhiều lần. Cụ thể, khu NLT công nhân do Công ty du lịch Thủ Đức xây dựng ở khu phố 4, phường Linh Trung, quận Thủ Đức với những dãy nhà cấp 4 lụp xụp giá cho thuê một phòng 8 người là 800.000 đồng/tháng, điện 1.200 đồng/kwh, nước 4.500 đồng/m³, tiền gửi xe (đối với xe máy) 16.000 đồng/tháng. Anh Trần văn Hùng, công nhân Công ty Nissei Electric cho biết, một số bạn bè chuyển ra ngoài ở vì không quen bị ràng buộc bởi nề nếp và giờ giấc quy định. Còn theo chị Lê Thị Hoa thì nhiều quy định của khu NLT quá khắt khe như: không được tiếp khách trong phòng (kể cả người nhà), không nấu ăn... Vì thế, dù điều kiện sống ở khu NLT của công ty hơn hẳn nhưng công nhân vẫn chọn nhà trọ bên ngoài cho thoải mái…
Từ cổng KCX Tân Thuận đi theo đường Bùi Văn Ba vào khoảng 5km là khu NLT công nhân của KCX Tân Thuận (phường Tân Thuận Đông, quận 7). Hai dãy nhà của khu NLT cao 5 tầng/lô với khoảng 230 phòng đã được cất lên cách đây hai, ba năm vẫn rất vắng vẻ. Những bức tường đã rạn nứt, màu sơn bị hoen ố và rêu bắt đầu bám. Dãy nhà B1 mới được bàn giao khoảng 4 tháng nay với 17 công nhân đến ở. Giá nhà từ 480.000-720.000 đồng/tháng/phòng 6 người (tùy theo tầng), cộng thêm tiền nước 4.500đ/m³; điện 1.500 đ/kWh.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Ban quản lý Khu NLT này cho biết đã có vài công ty đến tìm hiểu nhưng chỉ có một công ty may ký hợp đồng thuê 20 phòng cho 120 công nhân vào ở từ ngày 1-8. Theo ông, công nhân chưa đăng ký vào ở nhiều là do chưa dứt hợp đồng với những khu nhà trọ bên ngoài. Tuy nhiên, chị Thúy H, công nhân của Công ty FAPV cho biết, từ khu NLT này đến công ty mất cả nửa tiếng đi xe đạp, hơn nữa đường vào khu NLT vắng nên những buổi tăng ca về khuya các nữ công nhân rất ngại…
Chỉ dành cho người độc thân
Hiện nay, mô hình NLT cho công nhân là một hình thức của ký túc xá công nhân, được chia ra làm 2 khu riêng biệt dành cho nam và nữ. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP thì hiện có khoảng 20% trong tổng số hơn 200.000 công nhân tại các KCX-KCN ra ngoài sống vì muốn “góp gạo thổi cơm chung” hoặc đã lập gia đình. Anh Nguyễn Văn Thành, quê Sóc Trăng, công nhân của một công ty điện tử - đang “góp gạo thổi cơm chung” với cô vợ sắp cưới tại một khu nhà trọ gần KCX Tân Thuận cho biết, chúng tôi ra ngoài ở không phải vì điều kiện NLT không tốt mà vì công ty chưa có NLT cho… những người yêu nhau.
Vài tháng nữa cưới nhau, chúng tôi cũng phải dọn ra ngoài nên kiếm một chỗ ở ổn định trước, khỏi chuyển lui chuyển tới. Tại khu nhà trọ lụp xụp gần KCN Tân Bình, vợ chồng anh Trần Vĩnh Hiền, công nhân dệt may đang sống trong một phòng trọ chưa đầy 7m² với giá thuê 170 ngàn đồng/tháng, cho biết lúc chưa cưới 2 người đều sống trong khu NLT công nhân, mỗi tháng chỉ trả khoảng 20 ngàn đồng tiền điện, nước nhưng cưới xong thì phải ra ngoài thuê phòng trọ.
Hạnh Nhung