Trước đó, vào tháng 8-2014, Saudi Arabia có dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục là 737 tỷ USD, cho phép họ có cơ hội thực sự trong việc duy trì tỷ giá nội tệ SAR/USD và bù đắp thâm hụt ngân sách khổng lồ gây ra do sự sụt giảm giá dầu vì sản xuất quá mức.
Nhưng tình hình thay đổi rất nhanh, thậm chí trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 làm nhu cầu dầu giảm mạnh, Saudi Arabia đã chuyển từ thặng dư ngân sách sang thâm hụt cao kỷ lục vào năm 2015 là 98 tỷ USD và đã chi ít nhất 250 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của mình trong khoảng thời gian đó. Điều tồi tệ là tình hình kinh tế và chính trị của Saudi Arabia tiếp tục ảm đạm vào năm 2016 đến mức Thứ trưởng Kinh tế Mohamed Al Tuwaijri đã tuyên bố một cách dứt khoát vào tháng 10-2016 rằng: Nếu chúng ta (Saudi Arabia) không có bất kỳ các biện pháp cải cách nào và nếu nền kinh tế toàn cầu giữ nguyên, thì chúng ta sẽ phải chịu phá sản sau 3 đến 4 năm nữa. Điều đó có nghĩa là, nếu Saudi tiếp tục sản xuất quá mức để giá dầu xuống - giống như đã làm trong năm nay, một lần nữa - thì nước này sẽ bị phá sản trong vòng 3 đến 4 năm.
Khi đại dịch Covid-19 ập tới, tình hình kinh tế Saudi Arabia càng tồi tệ hơn. Nước này khai thác thị trường trái phiếu quốc tế 2 lần trong năm nay và đã vay tổng cộng 19 tỷ USD từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Vào tháng 3, Ngân hàng trung ương Saudi Arabia đã cạn kiệt ngoại tệ với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2000. Chỉ trong tháng đó, theo số liệu của chính Saudi, dự trữ ngoại tệ của vương quốc này đã giảm hơn 100 tỷ SAR (27 tỷ USD). Đây là mức giảm hoàn toàn 5% so với tháng trước và tổng số dự trữ hiện chỉ ở mức 464 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Con số này dự báo sẽ giảm hơn nữa vì giá dầu chưa có dấu hiệu cải thiện. Đồng thời, Saudi Arabia rơi vào thâm hụt ngân sách 9 tỷ USD trong quý 1-2020 và một số nhà phân tích độc lập dự báo rằng GDP của nước này có thể giảm hơn 3% trong năm nay. Ngoài ra, Saudi Arabia còn chịu sức ép của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Theo trang web Oilprice.com, thoả thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia ký năm 1945 cho biết, Mỹ đảm bảo an ninh cho Saudi Arabia, đổi lại Saudi Arabia cung cấp dầu cho Mỹ. Nhưng từ năm 2014, ngành dầu đá phiến của Mỹ phát triển mạnh, có nghĩa Mỹ không còn phụ thuộc nhiều vào dầu của Saudi Arabia. Trong khi Saudi Arabia vẫn phải cần Mỹ đảm bảo an ninh. Washington cũng đã nhiều lần gây sức ép buộc Riyadh phải cắt giảm sản lượng dầu để bảo vệ ngành dầu đá phiến của Mỹ. 60% GDP của Saudi Arabia là nguồn thu từ dầu mỏ. Thu nhập của ngành dầu mỏ chiếm hơn 60% tổng ngân sách của chính phủ và gần 75% xuất khẩu quốc gia. Iran, Iraq, Qatar và Kuwait thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn.
Theo các nhà phân tích, sự sụp đổ của ngành công nghiệp dầu mỏ là không thể tránh khỏi khi thế giới tránh xa nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các giải pháp thay thế năng lượng tái tạo. Các quốc gia phụ thuộc vào dầu khí sẽ phải thay đổi để thích ứng, nếu không họ sẽ bị tụt lại phía sau.