Theo Bộ NN-PTNT, năm 2019, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích rừng gần 2,56 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích rừng của cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,92%. Từ đầu năm 2019 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên trồng 9.197ha rừng và trồng 478ha thay thế rừng đặc dụng, phòng hộ. So với năm 2018, hiện diện tích rừng trồng tăng hơn 18.000ha; diện tích rừng tự nhiên giảm 15.700ha. Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, diện tích rừng Tây Nguyên đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%. Để đạt mục tiêu trên, giải pháp đặt ra là cần phát triển rừng bền vững theo hướng nông lâm kết hợp; tiếp tục giao rừng gắn với giao đất cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân quản lý; không để phát sinh diện tích rừng bị tranh chấp, lấn chiếm…
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển sản xuất nông lâm nghiệp như: cần phát huy vai trò của kiểm lâm, nâng cao sự phối hợp của các lực lượng chức năng; ổn định dân di cư tự do; tạo sinh kế, giúp người dân có cuộc sống ổn định, không chặt đốt phá rừng...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, tuy còn nhiều khó khăn nhưng sau 4 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về các giải pháp khôi phục rừng bền vững, công tác quản lý bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tỉnh Tây Nguyên cần ổn định tình trạng dân di cư tự do; xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, đơn vị quản lý các cấp; rà soát, điều chỉnh các loại rừng để có giải pháp bảo vệ phát triển rừng hiệu quả…