Băn khoăn vị trí dự kiến xây cầu Mã Đà

Tỉnh Bình Phước vừa đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án mở rộng đường ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với tỉnh Đồng Nai, rút ngắn khoảng cách đi sân bay Long Thành hơn 60km so với hiện tại. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, việc đề xuất làm tuyến đường đi xuyên vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới vào năm 2011 cần phải tính toán kỹ lưỡng. 
Đường dân sinh ĐT 761 trong Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai
Đường dân sinh ĐT 761 trong Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai

E ngại phá vỡ cảnh quan

Những ngày cuối tháng 3-2022, chúng tôi đến Khu bảo tồn có diện tích 100.303ha nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong hơn 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”, là sinh cảnh được ưu tiên xác định bởi Quỹ bảo tồn Việt nam (VCF). Khu bảo tồn là nơi cư trú và di trú của nhiều loại động vật quý hiếm như voi, bò tót, các loài linh trưởng; nhiều loại gỗ quý nhằm phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên gắn với bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái, đa dạng sinh học và trước đây còn là vùng căn cứ nổi tiếng - Chiến khu D. Theo đề xuất của tỉnh Bình Phước, sau khi xây cầu Mã Đà, tuyến đường ĐT 753 sẽ kết nối với đường ĐT 761, sau đó nâng cấp thành quốc lộ 13C đi qua vùng lõi Khu bảo tồn đến quốc lộ 1 (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). 

TS Trần Văn Mùi, nguyên Giám đốc Khu bảo tồn (giai đoạn 2007-2020), cho biết, đường ĐT 761 trước gọi là đường Trần Lệ Xuân được mở để phục vụ khai thác, vận chuyển gỗ và thuận tiện cho việc hành quân của địch để tấn công vào các căn cứ cách mạng tại Chiến khu D, chứ không phải đường giao thông kết nối 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai. Thời ông còn làm Giám đốc Khu bảo tồn, tỉnh Bình Phước mượn đường đi qua Khu bảo tồn để vận chuyển gỗ khai thác phía Bình Phước nhưng ông từ chối do diện tích rừng ở Bình Phước bị chặt phá quá nhiều, ảnh hưởng đến việc tạo vùng đệm cho Khu bảo tồn và nguy cơ các đối tượng trà trộn phá rừng.

“Họ bảo làm đường trên cao chỉ là cái cớ, vì dù thấp hay cao cũng phá vỡ, chia cắt hệ sinh thái rừng. Đổi lại, nếu làm cầu Mã Đà xuyên qua Khu bảo tồn thì hàng ngàn ha đất nông nghiệp ở Bình Phước sớm được lên đời, các chủ trang trại hốt bạc tỷ, dù chủ trương của Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã đổ bao mồ hôi, nước mắt để bảo vệ rừng mấy chục năm nay, không thể chỉ vì tuyến đường được rút ngắn hơn mà để rừng tự nhiên biến mất vĩnh viễn, trong khi đó, Bình Phước cũng cam kết phối hợp với Đồng Nai để bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới”, ông Trần Văn Mùi nói. 

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm khu bảo tồn cho biết, trong Khu bảo tồn có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia là căn cứ Khu ủy miền Đồng Nam bộ, căn cứ Trung ương Cục miền Nam Việt Nam và địa đạo Suối Linh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Theo kế hoạch, nếu mở đường ĐT 753 và xây cầu Mã Đà sẽ hình thành tuyến quốc lộ 13C (nâng cấp từ đường ĐT 753) băng qua vùng lõi rừng đặc dụng (40km) trong Khu bảo tồn gây phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di tích lịch sử cách mạng. Trong khi đó, mục tiêu của Khu bảo tồn là hạn chế dân cư, di dời và ổn định dân cư 2 xã Mã Đà và Hiếu Liêm trong vùng lõi; đầu tư tuyến đường ven hồ Trị An thay thế tuyến đường dân sinh ĐT 761 xuyên qua rừng Khu bảo tồn. Nếu quốc lộ 13C đi qua, hạt kiểm lâm không thể đặt trạm barie kiểm soát vận chuyển lâm sản, tốc độ của xe làm voi, bò tót, các loài linh trưởng ở Vườn quốc gia Cát Tiên hoảng sợ, không dám sang Khu bảo tồn, gây khó khăn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Băn khoăn vị trí dự kiến xây cầu Mã Đà ảnh 1 Kiểm tra độ sinh trưởng của cây rừng ở Khu bảo tồn rừng chiến khu D
Băn khoăn vị trí dự kiến xây cầu Mã Đà ảnh 2 Đội kiểm lâm cơ động Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuần tra bảo vệ rừng khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam Việt Nam

Mặt khác, phương án xây cầu Mã Đà sẽ hình thành tuyến QL 13C đi qua Khu bảo tồn kết nối quốc lộ 1 tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) có chiều dài 84km, không phù hợp với đề án bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030, phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Khu bảo tồn được UBND tỉnh phê duyệt nằm bảo tồn đa dạng sinh học và giá trị văn hóa bản địa. Cũng theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, nếu chuyển từ đất rừng đặc dụng sang mục đích khác, địa phương phải trình Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. 

Băn khoăn vị trí dự kiến xây cầu Mã Đà ảnh 3 Khu bảo tồn nhìn từ trên cao
Tìm phương án phù hợp 

Mới đây, Sở GTVT Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu phương án kết nối giao thông theo quy hoạch chung Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bình Phước được định hướng kết nối với nhau qua tuyến đường Vành đai 4, kết nối các tỉnh Bình Phước, Bình Dương qua Đồng Nai đến quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Trảng Bom, Đồng Nai) dài 104km, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành và kết nối tuyến với cầu chữ Y, dự kiến xây phía dưới Nhà máy thủy điện Trị An đoạn bến phà Hiếu Liêm (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu). 

Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MABVN) vừa có văn bản do GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch MABVN ký, nêu rõ: Việc xây đường, cầu Mã Đà sẽ hình thành tuyến đường đi qua vùng lõi rừng đặc dụng thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận năm 2011, gây chia cắt hệ sinh thái, mất liên kết hành lang đa dạng sinh học, suy thoái môi trường, vi phạm Chiến lược Seville của UNESCO/MAB (chương trình Con người và sinh quyển), đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015-2025, kế hoạch Hành động Lima 2016-2025, tạo tiền lệ xấu trong cộng đồng 929 Khu dự trữ sinh quyển thế giới và nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ bị thu hồi danh hiệu. Việt Nam đã cam kết phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyền thế giới, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Do đó, MABVN đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai dừng dự án xây đường, cầu Mã Đà, ưu tiên xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới thành mô hình phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế. 

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, Sở GTVT tỉnh đã có đề xuất, kiến nghị việc kết nối giao thông giữa 2 tỉnh Bình Phước với Đồng Nai. Sau khi tỉnh Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà ngày 20-3, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xem xét đề xuất này. Sắp tới, Bộ GTVT chủ trì làm việc với 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và tổ chức UNESCO để có phương án phù hợp.

Băn khoăn vị trí dự kiến xây cầu Mã Đà ảnh 4

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với UBND huyện Vĩnh Cửu và các đơn vị liên quan về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng với công suất 200MW, diện tích hơn 94ha, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Hiện EVN có nhu cầu chuyển đổi gần 24ha rừng trong diện tích được giao và sẽ nộp tiền trồng rừng thay thế. Trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Khu bảo tồn cho biết, diện tích mở rộng dự án Nhà máy Thủy điện Trị An thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn. Hiện trong vùng lõi Khu bảo tồn có hàng ngàn hộ dân nhận giao khoán trồng rừng đang chờ di dời, do đó, Khu bảo tồn sẽ dùng số tiền trồng rừng thay thế chủ đầu tư nộp để hỗ trợ, bồi thường và di dời các hộ dân. 

Tin cùng chuyên mục