Bán lẻ chủ động thích ứng với bình thường mới

TPHCM đang từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, ngành bán lẻ thành phố cũng đẩy mạnh nhiều phương án khôi phục thị trường và đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân các tháng cuối năm.
Chuỗi siêu thị Co.opmart đón khách bình thường trở lại từ ngày 1-10
Chuỗi siêu thị Co.opmart đón khách bình thường trở lại từ ngày 1-10

Mở lại kênh phân phối theo hướng an toàn

Trong đợt bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, TPHCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và cũng là địa phương phải thực hiện giãn cách kéo dài nhất, ảnh hưởng nặng nề tới tất cả các ngành hàng, trong đó có thị trường bán lẻ. Số liệu của Cục Thống kê TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 636.306 tỷ đồng, giảm 17,4% so cùng kỳ. Không chỉ sụt giảm doanh thu, chuỗi cung ứng hàng hóa cho TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn do các địa phương siết chặt giãn cách, kiểm soát phương tiện lưu thông hàng hóa để phòng chống dịch. Mặc dù vậy, các kênh bán lẻ trên địa bàn thành phố vẫn duy trì được hệ thống cửa hàng, siêu thị cũng như nguồn hàng, góp phần tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân trong bối cảnh chợ truyền thống phải tạm ngưng hoàn toàn.

Hiện tại, khi TPHCM từng bước đưa các hoạt động trở lại trạng thái “bình thường mới” thì chuỗi bán lẻ vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đảm bảo cung ứng nguồn hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng… giá cả ổn định cho người dân. Theo đó, hệ thống bán lẻ lớn như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Aeon, Lotte Mart… đã hoàn tất chuẩn bị về hàng hóa, nhân sự và biện pháp phòng dịch theo Bộ tiêu chí an toàn của UBND TPHCM. 

Điển hình là nhà bán lẻ Co.opmart. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối Vận hành hoạt động Co.opmart, cho biết, từ ngày 1-10 hệ thống siêu thị này đã mở cửa hoạt động bình thường và phục vụ khách hàng có thẻ xanh trên các ứng dụng y tế hiện hành. Song song đó, hệ thống tiếp tục phát huy các kênh bán hàng online một cách hiệu quả và tổ chức, sắp xếp đội ngũ giao hàng để cung ứng hàng hóa đến người tiêu dùng nhanh nhất có thể. 

Cùng với kênh bán lẻ hiện đại, TPHCM cũng đang từng bước khôi phục lại hoạt động chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Cụ thể, chợ truyền thống phải bảo đảm các tiêu chí: với người lao động và khách hàng, tùy theo từng đối tượng phải có “thẻ xanh Covid-19”, “thẻ vàng Covid-19”; quy định khoảng cách an toàn, phương án bố trí lối ra vào, tổ chức kiểm tra, giám sát, trang bị dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, công tác khử khuẩn; công tác tuyên truyền phòng chống dịch, thông tin liên lạc; kế hoạch, phương án phòng chống dịch Covid-19.

Chủ động thích ứng 

Theo các nhà bán lẻ, trước đây ngành bán lẻ thường bán hàng trực tiếp thì đợt dịch bùng phát vừa qua đã hoàn toàn làm thay đổi cục diện của ngành, buộc họ phải chuyển qua phương thức bán hàng đa kênh và bán online. Các nhà bán lẻ còn chủ động triển khai hoạt động bình ổn giá và hạn chế sai sót về cập nhật giá. Đặc biệt, các nhà bán lẻ khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch; tuân thủ 5K; kiểm soát, phân luồng khách hàng vào siêu thị hợp lý, đảm bảo giãn cách và quan tâm vận động người dân, đối tác… chung tay thực hiện tốt yêu cầu về an toàn phòng chống dịch để chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Chẳng hạn hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… đã chuẩn bị đủ lượng hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá; nỗ lực bù lỗ, thực hiện giảm và giữ giá bán hàng hóa ổn định trong thời gian tới. Nhà bán lẻ này cũng tăng cường tìm kiếm, kiểm soát chất lượng nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo đủ cung cấp cho người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt hàng hóa; chia nhỏ kho trung chuyển hàng thực phẩm tươi sống về các siêu thị, đơn vị trực thuộc nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa khi có phát sinh lây nhiễm dịch bệnh. 

“Chúng tôi đã có sự chuẩn bị tốt về hàng hóa, nhân sự, phương thức kinh doanh để đảm bảo việc phân phối kịp thời hàng thiết yếu đến người dân. Dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tập thể cán bộ, nhân viên Saigon Co.op với tinh thần quyết tâm, vượt khó, tiến công, tập trung toàn lực cùng với chính quyền và người dân chống dịch hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ. 

Theo đánh giá của ngành công thương, sự nỗ lực của các đơn vị phân phối bán lẻ suốt thời gian qua đã và đang giúp bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa cho TPHCM trong bối cảnh dịch bệnh. Đến nay, tình hình thị trường ổn định, nguồn cung hàng hóa được cải thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân.

Tin cùng chuyên mục