Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc của một nhà giáo uyên bác

Nhà giáo Trương Quang Đệ là một học giả, một người thầy uyên bác, đa tài. Tốt nghiệp khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội những năm đầu  khi hòa bình lập lại (1954), cùng khóa với những nhà giáo xuất sắc như Văn Như Cương, Phan Đình Diệu, Nguyễn Bảo…

Thầy giáo Trương Quang Đệ từng nhiều năm dạy toán, rồi được cử làm chuyên gia giáo dục một thời gian ở châu Phi. Với những năm học tập nghiên cứu tại Pháp, tiếp cận với nhiều nền văn hóa châu Âu, ông trở thành người thầy đào tạo nhiều giáo viên dạy tiếng Pháp và là chủ biên sách giáo khoa tiếng Pháp bậc THPT, là người vận động thành lập các trung  tâm Pháp ngữ tại Hà Nội và TPHCM…

Ông cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học, lý luận và triết học nổi tiếng của Pháp để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Cũng bởi “bỗng dưng lạc lối vào văn chương”, ông  có nhiều nghiên cứu đặc sắc về ngôn ngữ, về thơ ca, về văn học và sáng tác, bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt; trong số này, Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc là tập sách mới nhất của ông, do NXB Văn hóa Văn nghệ xuất bản tháng 7-2020 .

Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc của một nhà giáo uyên bác ảnh 1 Nhà giáo Trương Quang Đệ
Nhà giáo Trương Quang Đệ khiêm tốn nói về tập sách mới nhất của mình: “Trong cuốn sách này, độc giả sẽ tìm thấy những cảm nhận về thời cuộc của một người rất bình thường nhưng luôn trăn trở với những suy nghĩ cá nhân. Tác giả muốn qua cuốn sách này tìm được sự đồng cảm của bạn bè khắp nơi trong nước cũng như ngoài nước, và qua đó tìm được tình cảm của bạn bè đối với cá nhân tác giả. Tác giả nghĩ rằng đã may mắn sống trong một thời đại có nhiều biến cố lịch sử, một thời đại mà mọi thứ đều được thể hiện rõ nét, như lòng dũng cảm, lòng yêu nước… bên cạnh những trí tuệ và những cơ hội bị bỏ lỡ. Tất nhiên đây chỉ là những cảm nghĩ cá nhân, nhưng giá trị của nó nằm ở chỗ làm tài liệu tham khảo về một tiếng nói trong muôn vàn tiếng nói khác của người dân đối với vận mệnh đất nước thân yêu”.

Thật sự, gập lại gần 400 trang sách, người đọc được cảm nhận nhiều hơn rất nhiều so với những gì tác giả đã nói ở trên. Những suy tư của tác giả về văn hóa, giáo dục, xã hội, thời cuộc… không chỉ làm chúng ta “bâng khuâng”, mà mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc và suy tư, day dứt. Từ những vấn đề muôn thuở của dân tộc, như “Tinh thần dân tộc”, “Nền học vấn nào mở đường vào khoa học”, “Nhân tố nào tạo nên sự phát triển”..., đến những vấn đề hết sức thời sự như “Tâm tư thời dịch Covid-19” hay “Thế giới sẽ ra sao sau dịch Covid-19?”…

Một điều hết sức đặc biệt khác của tập sách là do tác giả nhiều năm làm thầy giáo chuyên tâm nghiên cứu và truyền bá ngôn ngữ Việt và Pháp, nên tập sách còn như một cẩm nang ngôn ngữ cho thầy và trò trong các trường phổ thông, đại học; rất chuyên sâu và bổ ích, ít thấy xuất hiện ở tác phẩm hay công trình nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Việt nào. Có thể kể đến các bài viết: “Chữ quốc ngữ ký âm như thế nào?”, “Sắc thái xã hội - ngôn ngữ trong cách đánh vần và gọi tên chữ cái”, “Vài suy nghĩ về cách phát âm chuẩn tiếng Việt”, “Tìm một quy chế ổn định cho tiếng Việt và văn hóa Việt”…

Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc của một nhà giáo uyên bác ảnh 2
Là một nhà văn, thú thực tôi quan tâm nhiều hơn những chân dung nhà giáo hay nhà văn - nghệ sĩ mà tác giả Trương Quang Đệ viết qua tập sách này. Phải nói rằng chân dung những nhà giáo Văn Như Cương, Nguyễn Đức Kiên, Cao Xuân Hạo…, hay những nghệ sĩ như Tân Nhân, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Nhật Ánh, được nhà giáo Trương Quang Đệ viết cực hay, nhiều tư liệu mới mẻ và nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Nó làm lấp lánh lên tâm hồn người thầy giáo uyên bác, rất giàu cảm xúc và cũng rất nghệ sĩ, độ lượng với đời. Chính mảng viết chân dung này đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn rất lớn của tập sách, của người trí thức uyên bác Trương Quang Đệ.

Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng (ĐH SP TPHCM) viết về thầy giáo Trương Quang Đệ: “Ông quả là hiện tượng hiếm thấy, nhiều đam mê và đa tài. Tuy nhiên, nhiều người quý mến và kính trọng ông trước hết vì nhân cách, vốn được nuôi dưỡng từ một gia đình trí thức yêu nước. Ông hiểu rộng, biết nhiều, tài hoa, nhưng khiêm nhường, nhìn nhận đánh giá con người và thời cuộc khách quan, công bằng, tỉnh táo và nhân hậu.”

Hơn lúc nào, Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc toát lên tất cả những vẻ đẹp này của nhà giáo Trương Quang Đệ, và đó chính là tinh hoa của cuộc đời ông! 

Tin cùng chuyên mục