Trong tuần qua, tại TPHCM ghi nhận 886 ca tay chân miệng, trong đó các quận: 5, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Cần Giờ, ghi nhận số ca bệnh trong tuần tăng trên mức độ cảnh báo.
Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM, từ đầu tháng 10 đến nay, số trẻ TCM điều trị tại BV bắt đầu tăng. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận nội trú mới khoảng 20 trẻ. Tổng số bệnh nhi nằm viện dao động 40-50 trẻ, trong đó luôn có 3-4 bé bị nặng, phải hồi sức tích cực. Riêng phòng khám ngoại trú tiếp nhận 200 trẻ bị TCM mỗi ngày.
Theo thống kê của BV Nhi đồng 1, từ giữa tháng 10 đến nay, mỗi ngày BV tiếp nhận hơn 8.000 lượt khám chữa bệnh, gần bằng ngày cao điểm tháng 9-2019 (hơn 8.400 ca).
Trong khi đó, tại BV Nhi đồng 2, số lượt khám chữa bệnh cũng tăng mạnh từ 8.075 đến 8.237 ca/ngày, gần bằng ngày cao điểm nhất của tháng 9-2019 (hơn 8.300 ca). Các bệnh khiến trẻ đi khám nhiều nhất là: viêm mũi họng, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, viêm phổi...
Cùng ngày, Bộ Y tế cho biết, tính đến giữa tháng 10, cả nước đã ghi nhận trên 71.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH). Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc SXH giảm khá nhiều nhưng trong vài tuần gần đây số người mắc SXH đang có chiều hướng gia tăng.
Qua giám sát của Cục Y tế dự phòng cho thấy, 57% ca mắc SXH ghi nhận tại miền Nam, 33% tại miền Trung, Tây Nguyên chiếm 6% và miền Bắc là 4%. Đến nay, dịch SHX không có nhiều diễn biến bất thường so với các năm trước. Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 10 và 11 là mùa cao điểm của dịch SXH khi thời tiết vào mùa mưa, khí hậu rất thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển.