Báo động nạn buôn bán trái phép tài sản văn hóa

Việc thất thoát, buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa không chỉ là câu chuyện của một quốc gia mà trở thành một vấn đề báo động quốc tế.

(SGGP).- Việc thất thoát, buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa không chỉ là câu chuyện của một quốc gia mà trở thành một vấn đề báo động quốc tế.

Ngày 15-12, tại Hà Nội, UNESCO phối hợp với Bộ VH-TT-DL Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế tập huấn nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa. Tại hội thảo, ông Edouar Planche, Thư ký Công ước 170 về chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa cho biết, trong những năm gần đây, Đông Nam Á tiếp tục là trung tâm lớn về buôn bán trái phép, đồng thời là nguồn của các hiện vật văn hóa và điểm trung chuyển.

Cùng chung mối quan tâm này, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL chia sẻ: Ở Việt Nam, việc “chảy máu” cổ vật được xác định là do nạn đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học, lấy cắp cổ vật trong di tích đền, chùa, miếu và do chiến tranh. Những mất mát cổ vật trong chiến tranh thường xảy ra với quy mô lớn, nghiêm trọng, thậm chí những mất mát này cũng được ghi lại rõ ràng trong sách sử.

Cụ thể ngày 5-7-1885, khi tấn công vào kinh đô Huế, quân đội Pháp đã lấy đi hàng loạt cổ vật, châu báu ở đây. Linh mục Père Siefert, người chứng kiến sự việc này đã ghi lại: kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc, 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ... Tại các tôn miếu thờ các vua hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm long sàng, hỏa lò, màn thêu hoa, đỉnh trầm, khay chén, tăm xỉa răng... đều bị lấy. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực song việc ngăn chặn tình trạng thất thoát, chống buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa luôn diễn ra một cách gay go phức tạp. Còn trên bình diện quốc tế, không dễ gì để một quốc gia sẵn lòng trao trả những hiện vật quý giá mà họ có được (bằng cách này hay cách khác) trở về những nước xuất xứ của những hiện vật đó.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục